ĐBSCL: Chính quyền và nhân dân khẩn cấp ứng phó bão Tembin

GD&TĐ - Trước dự báo bão Tembin sắp vào đất liền, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL (kể cả những tỉnh không có bờ biển) đã đến các huyện, xã chỉ đạo công tác ứng phó với bão.

Làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp
Làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp

Ông Nguyễn Văn Hai - một hộ trồng hoa lâu năm ở làng hoa Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc (Đồng Tháp), cho biết: Hai ngày qua, chính quyền địa phương liên tục thông báo trên loa về cơn bão số 16. Hay tin, người dân chúng tôi cũng lo lắng và tích cực di dời các chậu hoa cúc mâm xôi xuống đất, phòng tránh gió làm đổ ngã khi chậu hoa nằm trên kệ.

Ông Võ Minh Thông - Chủ tịch UBND phường Tân Qui Đông, TP Sa Đéc, cho biết: Nhận ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, trước mắt chúng tôi thông báo trên loa phường về diễn biến bão, các công tác ứng phó với cơn bão. Đặc biệt lưu ý người dân trồng hoa tết, di chuyển hoa, kiểng đến nơi an toàn, nhất là những loại hoa kiểng để trên kệ, giàn. Mặt khác chuẩn bị áo phao, tàu, thuyền neo đậu, chằng chống nhà cửa…

Còn anh Nguyễn Văn Lượng - một hộ dân ở xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cũng cho biết: Nhà có 2ha hồ tiêu đang trong giai đoạn ra trái, bởi vậy nghe tin bão vào đất liền gia đình đang lo lắng. Anh Lượng cũng cho biết, mấy ngày qua lãnh đạo, huyện, xã có đến tận nhà, hướng dẫn người dân thực hiện các công tác ứng phó với bão, chẳng hạn gia cố lại cộc tiêu, nhà cửa, chuẩn bị nhu yêu phẩm cần thiết…

Theo ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh An Giang: Ngay trong sáng 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn triển khai công tác chuẩn bị, ứng phó với bão 16 thì các đồng chí trong Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chia thành 3 đoàn trực tiếp đến các huyện, xã triển khai công tác ứng phó với bão. Cụ thể, tập trung tuyên truyền cho người dân không chủ quan với bão, chồng chắn nhà cửa, bè cá, chuẩn bị máy bơm, phòng ngừa khi có mưa bão kịp thời bơm chống ún cứu lúa…

Theo ông Trần Anh Thư, đồng chí Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo lãnh đạo các cấp túc trực 24/24, theo dõi diễn biến bão 16, sẵn sàng triển khai các phương án như kế hoạch đã chuẩn bị sẵn từ bão số 12. Ngoài ra, đối với các phương tiện trên sông, nếu diễn biến bão xấu thì tỉnh sẽ cấm các phương tiện lưu thông.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: UBND tỉnh đã họp khẩn về công tác chỉ đạo, ứng phó với bão 16. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo các địa phương (huyện, xã) không được lơ lờ, phân công cán bộ trực 24/24, dù đêm giáng sinh. Các địa phương chủ động, huy động lực lượng hỗ trợ người dân trong việc đảm bảo tính mạng, tài sản khi có bão xảy ra, trong đó tính mạng nhân dân là trên hết.

Tại tỉnh Cà Mau, chỉ đạo tại các huyện Cái Nước, Phú Tân, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Các lực lượng phải khẩn trương triển khai các nội dung trong công điện của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai việc tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

“Đồng thời, để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ cung cấp cho mỗi huyện một máy thu phát sóng tần số ngắn, phòng trường hợp khẩn cấp. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng tổ chức dọn tỉa các nhánh cây, tàng cây lớn, phòng trường hợp đổ ngã xảy ra làm cản trở giao thông, gây mất điện…”, ông Nguyễn Tiến Hải, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Hải cũng chỉ đạo: Yêu cầu ngành chức năng địa phương tích cực triển khai di dời dân vào nơi tránh trú bão. Đề nghị các tàu còn lại vào nơi tránh trú an toàn. Trong trường hợp các tàu này không chấp nhận sơ tán thì kiên quyết dùng tàu khác kè vào điểm trú, đồng thời lập biên bản và cấm hoạt động khai thác sau bão.

Cũng trong chiều 24/12, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương và Đoàn công tác của Tỉnh ủy và UBND tỉnh cùng với các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiến hành thị sát công tác phòng, chống bão tại thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu).

Sau chuyến khảo sát thực tế, theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương: Nếu người dân chưa hiểu thì bắt buộc người dân phải đi. Người dân có thể không hài lòng, nhưng vì tính mạng, sức khỏe của người dân nên cần phải thực hiện theo kế hoạch, chứ không để xảy ra rồi thì hậu quả khó lường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ