Hình thành tính tự giác ở trẻ ngay từ nhỏ
Nhiều chị em cho rằng trẻ con bây giờ thường rất thụ động, ngay cả những việc liên quan đến sinh hoạt cá nhân hàng ngày cũng phải để cha mẹ giục giã.
Chị Thu Lan có hai cậu con trai sàn sàn tuổi nhau học lớp 6 và lớp 7 than thở: Mặc dù đã 12, 13 tuổi nhưng 2 cậu quý tử của chị không có tính độc lập nên lúc nào bố mẹ cũng phải nhắc nhở. Nhiều khi đã quá giờ học bài từ lâu nhưng nếu cha mẹ không lên tiếng chúng vẫn chưa chịu dứt khỏi những trò chơi.
Còn chị Liên chia sẻ: Con gái chị năm nay cũng đã 12 tuổi song rất vụng về khi làm việc nhà. Bằng tuổi của con trước đây chị đã làm đủ việc từ nấu cơm đến trông em không để bố mẹ phải bận tâm.
Vậy mà con chị bây giờ chị vẫn phải đôn đốc từ vệ sinh cá nhân tới việc chuẩn bị đi học. Thậm chí cháu còn hay quên cả việc cô giáo dặn nên nhiều khi ảnh hưởng đến thi đua của lớp.
Việc giúp trẻ có thói quen tự giác và làm việc khoa học không phải quá khó nhưng các phụ huynh cần phải kiên trì. Và điều này phải được thực hiện ngay từ nhỏ.
Phần lớn các phụ huynh đều đưa ra những mệnh lệnh yêu cầu con phải ngoan phải biết tự làm những việc liên quan đến mình như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đánh răng trước khi đến lớp mẫu giáo.
Tuy nhưng để trẻ hào hứng với những điều này, cha mẹ nên khích lệ con dưới hình thức các trò chơi. Bạn và bé có thể thi đua xem ai hoàn thành công việc sớm hơn. Những nhân vật đáng yêu trong các câu chuyện hoạt hình cũng sẽ giúp trẻ thấy thú vị hơn trong trò chơi này.
Cần dạy trẻ kiên trì
Để con cái có được thói quen tốt thì cha mẹ cần là người đồng hành trong những giai đoạn hình thành nhân cách của con. Để hình thành nề nếp và thói quen thường xuyên cho trẻ cần đòi hỏi tính kiên trì.
Vì vậy cha mẹ và những người xung quanh nên gần gũi hướng trẻ thực hiện các công việc mà trẻ cần phải làm. Từ chỗ được động viên khích lệ trẻ sẽ dần dần xây dựng được thói quen biết tự có kế hoạch với các công việc hàng ngày của bản thân mình.
Theo nhà tâm lý học Lê Khanh, để trẻ sớm hình thành tính tự giác trong cuộc sống, cha mẹ cần chú ý: Thứ nhất là hãy để cho trẻ tự làm, ngay cả khi có sai sót, vì như thế, trẻ mới biết rút kinh nghiệm, và cho dù thời gian trẻ làm có dài gấp đôi nhưng bố mẹ cũng nhất quyết không can thiệp.
Thứ hai là đảm bảo tính nhất quán. Trẻ không thể hình thành sự tự giác, nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức.
Một trong những biện pháp nâng cao “kỹ năng” là cho trẻ từng bước tham gia vào các hoạt động trong gia đình như dọn dẹp, làm bếp, lau nhà, giặt quần áo...
Bố mẹ có thể nhờ bé làm một số việc lặt vặt, vừa làm vừa hướng dẫn thêm cho con. Dĩ nhiên điều đó sẽ làm cho chúng ta mất thì giờ hơn, mệt hơn… nhưng có hoạt động huấn luyện nào mà không mất thì giờ và công sức? Tập cho trẻ có tính tự giác sẽ giúp chúng phát triển một cách toàn diện, có trách nhiệm với cuộc sống của mình hơn.