Tuy nhiên việc dạy dỗ, chỉ bảo của người lớn ngay từ những ngày đầu tiên sẽ tạo cho trẻ có thói quen biết lễ phép và tôn trọng những người xung quanh mình.
Uốn nắn trẻ ngay từ nhỏ
Một số phụ huynh thường phàn nàn: Tại sao trẻ càng lớn lại càng bướng. Ngay trong cách nói năng, cư xử với bố mẹ chúng cũng dùng cách nói trống không, thiếu nhã nhặn. Thậm chí khi chúng không vừa ý với những người xung quanh liền có thái độ phản ứng tức thì.
Chị Lan Anh ở phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân Hà Nội) tâm sự: Con trai chị năm nay lên 8 tuổi nhưng rất hay có thái độ chống đối bố mẹ mỗi khi cậu không vừa ý. Mùa hè năm ngoái vì muốn con học bơi, nên chị đã đăng ký môn học này cho con tại một CLB gần nhà. Tuy nhiên, vừa mới nghe mẹ nói xong, cu cậu đã tuyên bố xanh rờn: “Mẹ đăng ký thì mẹ học, năm nay con chỉ học võ thôi”...
Không chỉ có vậy, nhiều lúc cháu luôn tự làm theo ý mình mặc kệ lời nhắc nhở của bố mẹ và những người thân. Chị rất buồn về thái độ của con và thực sự lo lắng về việc làm thế nào để con trai biết tôn trọng và nghe lời người lớn…
Ở lứa tuổi này trẻ thường có xu hướng muốn bắt chước người lớn tự quyết định về những việc xung quanh mình. Tuy nhiên, cha mẹ cần nắm bắt tâm lý của trẻ để có những phương pháp giáo dục thích hợp nhất.
Ngay từ nhỏ, các bậc phụ huynh cần dạy trẻ làm quen với những quy tắc ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Việc chào hỏi, thưa gửi và cả thái độ khi nói chuyện với những người lớn tuổi của trẻ phải được cha mẹ uốn nắn kiên trì. Đôi khi có những tình huống trẻ em trả lời rất xấc xược, thì người lớn cần cố gắng giảng giải sự tôn trọng cho trẻ hiểu.
Phải làm gương cho con
Có rất nhiều cách để dạy cho trẻ biết cách tôn trọng mọi người. Trẻ sẽ tiếp thu và ứng xử lễ phép, có văn hóa khi chúng được nhìn thấy cách mà bố mẹ cư xử với những người xung quanh. Khi người lớn trò chuyện, dù trẻ con đang chơi gần đó thì chúng vẫn luôn nghe và quan sát cách hành xử của người lớn.
Bởi trẻ em luôn có xu hướng bắt chước và mô phỏng những điều chúng thấy. Vậy nên khi dạy cho trẻ làm thế nào để tôn trọng mọi người, bạn phải dành cho trẻ sự tôn trọng để thúc đẩy chúng học hỏi. Khuyến khích chúng học hỏi, điều này sẽ làm cho trẻ tự tin vào bản thân.
Hãy dạy con biết nói lời cảm ơn, khi nhận được sự giúp đỡ và nói lời xin lỗi khi làm phiền người khác. Cha mẹ cũng nên giải thích rõ cho trẻ hiểu ý nghĩa của từng từ và cách dùng trong từng hoàn cảnh. Trẻ cũng nên biết cách dùng các kính ngữ như làm ơn, vâng, dạ... khi nói chuyện với người lớn để thể hiện sự lễ phép.
PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã đưa ra những chia sẻ: Điều mà chúng ta cần cân nhắc khi giáo dục con là trao cho trẻ quyền được tôn trọng như một người lớn thì trẻ sẽ dễ chấp nhận và vâng lời hơn do sự phát triển tâm lý trẻ muốn khẳng định tính người lớn và cái tôi của mình. Trên thực tế, việc ra lệnh và bắt trẻ làm như thế này thế kia rất dễ còn người lớn thì không như vậy.
Chúng ta thường nói với người lớn một cách lịch sự nhưng lại hay ra lệnh cho các con của mình. Các con thường không nhìn nhận sự việc như vậy mà lại quan tâm cách bạn nói chuyện và phản ứng với cháu…