Dạy Toán lớp 1 trong CTGDPT mới: Khuyến khích các hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Môn Toán lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới có những điểm gì mới và cần chú ý ra sao trong quá trình dạy học – Đó là những vấn đề mà giáo viên, học sinh và cả xã hội quan tâm. PTS.TS Đỗ Tiến Đạt – Viện KHGD Việt Nam - Chủ biên SGK Toán 1 – NXB ĐHSP đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề dạy học Toán theo CTGDPT mới.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Những điểm mới

- Ông có thể cho biết, nội dung môn Toán lớp 1 trong CTGDPT mới có sự phân bố ra sao về thời lượng và nội dung?

- PGS. TS Đỗ Tiến Đạt: Nói một cách vắn tắt, mục tiêu dạy học Toán 1 là:

Hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu; năng lực chung và năng lực toán học ở mức độ phù hợp với HS lớp 1.

Giúp HS đạt được các yêu cầu cơ bản:

Số: Đếm, đọc, viết, so sánh, cộng, trừ các số trong phạm vi 100;

Hình: Nhận dạng (trực quan) một số hình phẳng và hình khối đơn giản;

Đo lường: Thực hành đo độ dài; đọc giờ đúng; Xem lịch (lịch tờ hàng ngày); Lắp ghép, xếp hình.

Thực hành GQVĐ: Liên quan đến ý nghĩa thực tiễn của các phép tính cộng, trừ.

Thực hành và trải nghiệm: Thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn hoặc các hoạt động ngoài giờ chính khoá (ví dụ: Các trò chơi học toán...) liên quan đến ôn tập, củng cố các kiến thức cơ bản.

Tổng thời lượng dành cho môn Toán lớp 1 là 105 tiết (so với chương trình hiện hành giảm 25%). Ước lượng thời gian (tính theo %) cho các mạch kiến thức là: Số và Phép tính khoảng 80%; Hình học và Đo lường khoảng 15%; Hoạt động thực hành và trải nghiệm khoảng 5%.

PGS.TS Đỗ Tiến Đạt
PGS.TS Đỗ Tiến Đạt 

- Với những nội dung và yêu cầu mới trong SGK Toán 1, phương pháp dạy học cần có sự đổi mới ra sao, thưa ông?

- Môn Toán góp phần hình thành và phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực người học. Như vậy cần tổ chức quá trình dạy học theo hướng khuyến khích các hoạt động trải nghiệm, khám phá, phát hiện của HS.

Vì vậy, trong soạn bài dạy học, người giáo viên (GV) nên tổ chức quá trình dạy học thông qua một chuỗi các hoạt động học tập tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh (HS), hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển năng lực toán học. Quá trình đó có thể được tổ chức theo chu trình: Trải nghiệm – Phân tích, khám phá, rút ra bài học – Thực hành, luyện tập – Vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn.

GV đóng vai trò then chốt

- Khi triển khai CTGDPT mới và bắt đầu ở khối lớp 1 và đặc biệt ở SGK Toán 1, những vấn đề đặt ra với nhà trường, đội ngũ CBQL, GV sẽ ra sao để đáp ứng yêu cầu?

- Từ kinh nghiệm của quá trình triển khai CT và SGK hiện hành, đối chiếu với yêu cầu của CTGDPT mới nói chung, môn Toán nói riêng, trước hết trong công tác quản lý, nhà trường cần bảo đảm các yêu cầu:

Xây dựng kế hoạch thực hiện CTGDPT mới của trường theo kế hoạch của sở GD&ĐT; phòng GD&ĐT và phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường.

Quán triệt các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT về đổi mới CT, SGK GDPT; tổ chức kịp thời cho CBQL, GV nhà trường nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung CTGDPT mới, đặc biệt môn Toán lớp 1.

Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu GV ở từng lớp học; đề xuất kế hoạch bổ sung đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT mới; chọn cử đội ngũ GV cốt cán, đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng GV đạt hiệu quả.

Tổ chức rà soát, sửa chữa, sắp xếp để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học và lựa chọn SGK để thực hiện CTGDPT mới…

Một CT GD hiệu quả cần phản ánh triết lý, mục tiêu giáo dục; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và kỳ vọng của các đối tượng người học. Mặt khác, một CT GD có hay đến mấy nếu không có sự tham gia tích cực của GV, HS, các CBQL, chỉ đạo của tất cả các bên liên quan, thì sẽ khó bảo đảm chất lượng.

Vì vậy, nhà trường cần tiến hành thực hiện đánh giá CBQL, GV theo chuẩn nghề nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng CBQL, GV đáp ứng yêu cầu thực hiện CT, SGK GDPT mới.

SGK Toán 1 của NXB ĐH Sư phạm - PGS.TS Đỗ Tiến Đạt làm chủ biên.
 SGK Toán 1 của NXB ĐH Sư phạm - PGS.TS Đỗ Tiến Đạt làm chủ biên.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học… đóng vai trò thế nào trong việc thực hiện CTGDPT mới ở bậc tiểu học nói chung và chương trình Toán lớp 1 nói riêng, theo ông?

- Phương tiện, thiết bị dạy học (TBDH) là một trong những điều kiện quan trọng nhất để thực hiện nội dung giáo dục, đổi mới PPDH, giúp HS tự chiếm lĩnh kiến thức, phát triển kỹ năng thực hành.

CT mới sẽ áp dụng đại trà đầu tiên cho lớp 1 nên HS lớp 1 sẽ sử dụng TBDH theo CT mới, còn từ lớp 2 trở lên vẫn sử dụng theo CT hiện hành. Theo thiết kế và định hướng xây dựng danh mục TBDH của CTGDPT mới là kế thừa và sử dụng thiết bị đang có. Vì vậy, về cơ bản, TBDH không thay đổi, chỉ thay đổi cách thức sắp xếp tổ chức lại ở các phòng học bộ môn.

Ngoài ra, định hướng về cơ sở vật chất, TBDH khi thực hiện CTGDPT mới ở cấp tiểu học phải bảo đảm yêu cầu một lớp/phòng để học 2 buổi/ngày (cấp THCS và cấp THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 phòng/lớp để tổ chức học các môn tự chọn). Trong khi đó, các yêu cầu về phòng học bộ môn và phòng học chức năng hiện chỉ đáp ứng khoảng 70%. Về TBDH, theo báo cáo của các địa phương có thể đáp ứng trung bình 50% đối với cấp tiểu học (khoảng 50 - 60% đối với cấp THCS và THPT).

Với yêu cầu đặt ra, để thực hiện CT mới các địa phương cần phải cải tạo điều kiện, bổ sung thêm phòng học bộ môn, phòng học chức năng để phục vụ cho các môn học: Tin học, Khoa học – Công nghệ, Ngoại ngữ ở cấp tiểu học (ở THCS, THPT cần đầu tư thêm các phòng học bộ môn như: Công nghệ, Nghệ thuật, Vật lý…)

- Xin cảm ơn PGS.TS Đỗ Tiến Đạt!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...