Dạy tiếng Việt rất cần thiết đối với trẻ em dân tộc

(GD&TĐ) - Khi ngôn ngữ học và ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày không giống nhau, chắc chắn học sinh (HS) sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc dạy tiếng Việt rất cần thiết đối với trẻ em dân tộc. Để tìm hiểu về vấn đề dạy song ngữ cho trẻ em dân tộc, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Bích – Giám đốc Tổ chức Save the children (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) tại Việt Nam.

Dạy tiếng Việt rất cần thiết đối với trẻ em dân tộc

Hiện nay, mô hình dạy song ngữ cho trẻ em dân tộc được coi là mô hình hiệu quả, giúp các em HS dân tộc học tập tốt hơn và có điều kiện hòa nhập cộng đồng. Là người tổ chức và tham gia mô hình dạy song ngữ cho trẻ em dân tộc, bà có thể cho biết thuận lợi và khó khăn của việc áp dụng phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Bích
Bà Nguyễn Thị Bích

Ở Việt Nam, phần lớn trẻ em dân tộc nói tiếng mẹ đẻ của các em và rất nhiều em biết ít hoặc không có cơ hội tiếp xúc với tiếng Việt trước khi các em đi học tiểu học.

Khó khăn nữa các em gặp phải phần lớn giáo viên (GV) là người Kinh, không biết nói tiếng dân tộc.

Để giúp  HS đạt được trình độ tiếng Việt đủ để học tập tiếp ở các lớp trên, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã giới thiệu phương pháp dạy học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai nhằm giúp HS dân tộc vượt qua rào cản ngôn ngữ giữa HS dân tộc và cô giáo người Kinh.

Thuận lợi ở đây là khi thực hiện dự án, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình từ các cấp chính quyền, ban ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT và các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp. Phụ huynh người dân tộc cũng đã ý thức được việc cho con em mình đến trường là cần thiết...

Tuy nhiên, những khó khăn tồn đọng là kinh phí trả lương cho trợ giảng. Trợ giảng chúng tôi chỉ chi trả theo mức tối đa nhất là trên 1 triệu đồng một người theo quy định. Như vậy chưa khuyến khích được họ đứng lớp. 

Một khó khăn nữa, trong một lớp học có nhiều HS các dân tộc khác nhau, nếu sử dụng mô hình song ngữ chỉ có một trợ giảng thì rất khó cho GV.

Bà có thể nêu cụ thể hơn nữa về phương pháp dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc?

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và các tổ chức khác thấy rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ mới đối với hầu hết trẻ em dân tộc thiểu số. Kế hoạch áp dụng phương pháp dạy học tiếng Việt có ý nghĩa giúp trẻ học tiếng Việt theo từng “bước nhỏ” để từ đó các em có thể thành công ở từng bước học. Một yếu tố quan trọng nữa đó là sự phân biệt giữa dạy tiếng Việt như một môn học và sử dụng tiếng Việt như một ngôn ngữ để dạy các môn học khác.

Phương pháp này cần sự phối hợp ăn ý giữa cô giáo người Kinh và trợ giảng người dân tộc. Khi bắt đầu vào bài học, bao giờ trợ giảng người dân bản địa cũng kiểm tra từ vựng hôm trước đã dặn dò HS về nhà học.

Nếu kiểm tra thấy các em chưa thuộc bài, chưa hiểu, chưa rõ nghĩa chỗ nào thì giải thích thêm bằng tiếng mẹ đẻ trước  khi học bài mới. Sau đó cô giáo người Kinh sẽ dạy tiếng Việt. Kết thúc bài học, trợ giảng sẽ dặn dò các em học và ghi nhớ nội dung cô giáo đã dạy trên lớp, học thuộc từ vựng và chuẩn bị bài học cho ngày hôm sau.

Giữa cô giáo trợ giảng và GV phải phối hợp nhịp nhàng và tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt chứ không phải quy trình dịch. Ví dụ: Cô giáo người Kinh đang giảng dạy tiếng Việt, cô giáo trợ giảng thấy có từ khó HS không hiểu lại dịch nghĩa sang tiếng mẹ đẻ cho HS và ngược lại thì đó không đúng phương pháp của chúng tôi.

 
x
Cô giáo trợ giảng đang giúp HS học bài

Trên lớp HS đã sử dụng tiếng Việt, thế nhưng về nhà các em lại không có môi trường giao tiếp vì ông bà, cha mẹ và cộng đồng không ai biết nói tiếng Kinh. Để duy trì và khích lệ, tạo môi trường cho các em có cơ hội nói tiếng Việt, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã có những hoạt động gì, thưa bà?  

Để tạo môi trường học hỗ trợ trẻ nâng cao kỹ năng tiếng Việt cũng như các kiến thức khác, cộng đồng và phụ huynh HS cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động khác nhau, bao gồm các hoạt động: 

Xây dựng văn hóa đọc; Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã trợ giúp các địa phương trong dự án xây dựng thư viện mini thôn bản. Cộng đồng và trường học được khuyến khích tổ chức các buổi đọc sách, truyện cho trẻ em.

Mục đích của các buổi này là để nâng cao nhận thức của việc đọc sách và tạo cơ hội cho trẻ em được nói chuyện nhiều với những người xung quanh bằng tiếng Việt. Các buổi đọc thường được tổ chức tại nhà các trưởng bản hoặc tại trường học với sự hỗ trợ của tình nguyện viên hoặc một người dân tộc hoặc một HS lớp lớn hơn có thể  đọc và viết tiếng Việt. Người hướng dẫn có thể đọc một quyển truyện và cho trẻ em xem tranh.

Bên cạnh đó, cũng có các hoạt động cộng đồng nhằm giáo dục cho trẻ em về văn hóa dân tộc: Giáo dục kiến thức về các nghề thủ công truyền thống; Trang phục dân tộc, các lễ hội, nhạc cụ truyền thống; Lịch sử địa phương và những thông tin về cuộc sống trong cộng đồng được trình bày qua các câu chuyện... Việc nắm bắt được văn hóa truyền thống của dân tộc mình cũng giúp HS dân tộc học tập tốt hơn. Từ đó các em sẽ góp phần gìn giữ ngôn, văn hóa truyền lại cho các thế hệ sau.

Cùng đó là các hoạt động vận động cộng đồng tham gia huy động trẻ đi học và cải tạo điều kiện trường lớp; Cộng đồng tham gia vào công tác giáo dục và giám sát nhà trường. Những hoạt động này giúp cho phụ huynh HS dân tộc có ý thức, tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình tới trường.

Mô hình dạy song ngữ cho trẻ dân tộc được đánh giá là chương trình hay, có ích cho trẻ em dân tộc và cô giáo người Kinh dạy học ở những vùng dân tộc thiểu số. Thế nhưng đây mới chỉ là mô hình thử nghiệm, thí điểm ở một số tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số chứ chưa được nhân rộng. Vậy để nhân rộng dự án, bà có kiến nghị gì không?

Mô hình dạy song ngữ cho học sinh dân tộc được thử nghiệm dạy song ngữ từ lớp mẫu giáo đến hết lớp 3 ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái và Quảng Trị bắt đầu từ năm 2006 đến tháng 9/2014 kết thúc. Mô hình này hay nhưng nhân rộng khó. Tôi nghĩ rằng, nguồn ngân sách hỗ trợ cho trợ giảng và phương pháp dạy học là quan trọng nhất để đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học...

Vì vậy, cần ưu tiên vấn đề lập kế hoạch, phát triển nguồn nhân lực theo vùng miền, theo dân tộc để có thể có những người GV bản địa đứng lớp; Nếu những trợ giảng có thể cử đi đào tạo thành GV cốt cán cho địa phương thì đó là điều tuyệt vời hơn nữa. Nhưng hiện chưa có những ưu tiên và quy trình lập kế hoạch cho nên còn rất nhiều lỗ hổng. 

Việc đổi mới phương pháp dạy học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hiện nay chúng tôi đang làm thí điểm đổi mới sinh hoạt chuyên môn tại một số tỉnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Trị và chuẩn bị nhân rộng ở Điện Biên. Nếu được Bộ GD&ĐT cùng phối hợp chỉ đạo nhân rộng trong ngành ở các cấp học khác nhau thì chắc chắn, chất lượng giáo dục vùng dân tộc sẽ có sự phát triển vượt bậc. 

Trân trọng cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ