Dạy thêm hè - Phải tuân theo quy định chung

Dạy thêm hè - Phải tuân theo quy định chung

(GD&TĐ) - Bên cạnh áp lực về tuyển sinh thì dạy thêm học thêm cũng là một trong những vấn đề mà xã hội quan tâm. Thời gian nghỉ hè là dịp để trẻ em được nghỉ ngơi và có cơ hội tham gia những lớp kỹ năng nhằm phát triển toàn diện. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà phần đông HS vẫn phải tham gia học thêm hè.

Cung ăn theo cầu

Lâu nay học sinh kết thúc một năm học nhưng cũng đồng thời lại chuẩn bị bước vào “học kỳ thứ 3”. Nguyên do cũng bởi sự kỳ vọng quá lớn nên thay vì cho trẻ được thoải mái vui chơi trong dịp hè, nhiều gia đình lại đăng ký cho con theo nhiều lớp văn hóa.

Chị Thu ở Nhân Chính chia sẻ: Hiện nay, hầu hết các gia đình đều cho con học thêm văn hóa vào dịp hè. Thứ nhất, tạo cho con cái luôn có nề nếp học tập và để không quên kiến thức. Thứ hai, do áp lực thi cử hiện nay vào đầu cấp đặc biệt vào các trường có thương hiệu là khá lớn. Một học sinh để được vào học ở lớp chọn ở một trường tốt thì điểm thi vào THPT mỗi môn phải đạt 8,  9 trở lên. Trong khi đó các môn học ở trường là rất nhiều, vì vậy đương nhiên các phụ huynh phải cho con học thêm. Một số Hiệu trưởng khi được hỏi về vấn đề này đã cho biết: Không chỉ các nhà trường tham gia tổ chức dạy thêm trong hè mà trên địa bàn Hà Nội có khá nhiều trung tâm dạy thêm cho học sinh. Vì vậy các nhà trường đã tổ chức học hè dựa trên quy định mà Bộ GD&ĐT ban hành. Tuy nhiên vẫn có hiện tượng một số GV tự tổ chức thành lớp riêng để dạy ở nhà.

h
Học thêm hè cần tuân theo quy định chung  Ảnh minh họa của  T. Anh

Phải có chế tài hợp lý

Đây cũng là hè đầu tiên mà các địa phương, nhà trường thực hiện Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Theo đó, đến nay, Chủ tịch UBND các tỉnh thành đã ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa phương mình. Theo quy định mới thì bậc tiểu học không được tổ chức dạy, học thêm các môn văn hóa bất cứ hình thức nào; giáo viên bậc THCS, THPT đang làm việc, hưởng lương nhà nước thì không được đứng ra tổ chức dạy học thêm. Tại Hà Nội, theo quy định về dạy thêm, học thêm mà UBND TP vừa ban hành, Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ cấp giấy phép đối với các trường hợp có nội dung thuộc chương trình THPT; Trưởng Phòng GD&ĐT đối với THCS. Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận bằng văn bản giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Quy định cũng đưa ra mức học phí tối đa, tối thiểu đối với từng cấp học và tùy theo sỹ số lớp học. Với bậc học THCS, trần học phí là 26.000 đồng/học sinh/tiết học (khi lớp học có từ 10 học sinh trở xuống) và mức sàn là 6.000 đồng/học sinh/tiết học (với lớp có 40 học sinh trở lên). Với THPT, mức thu tương ứng là 32.000 đồng và 7.000 đồng. Trong đó, tỷ lệ chi thù lao giáo viên trực tiếp giảng dạy bằng 70%. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm. Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm...

Thiết nghĩ, việc dạy thêm và học thêm là xuất phát từ nhu cầu thực tế từng địa phương. Tuy nhiên để việc dạy thêm và học thêm được thực hiện theo quy củ thì vấn đề quản lý của nhà trường, chính quyền địa phương và Sở Giáo dục đào tạo phải có sự thống nhất. Đặc biệt vấn đề quy định về mức thu đối với người học phải rõ ràng để tránh tình trạng thu học phí quá cao. Các cấp quản lý phải có chế tài xử phạt mạnh đối với những cơ sở và người dạy làm trái với quy định.

Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm. Theo quy định này, thành phố cho phép các đơn vị, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm. Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, sẽ không thu tiền của học sinh. Đối với những hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống không coi là việc dạy thêm, học thêm.

Thu Trà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ