Dạy ong làm toán

GD&TĐ - Không phải chỉ loài người mới độc quyền về sự hiểu biết toán học. Người ta đã chứng minh rằng, các động vật có vú và loài chim cùng một số động vật khác có khả năng giải các bài toán cơ bản. 

Dạy ong làm toán

Mới đây, một nghiên cứu đã gây kinh ngạc lẫn thú vị, khi cho thấy ong mật, mặc dù có bộ não rất nhỏ bé nhưng chúng cũng có khả năng giải các câu đố toán học.

Các nhà khoa học cho rằng, mọi thành tựu khoa học của nhân loại đều bắt nguồn từ Toán học. Toán học là chiếc cổng mở ra cho chúng ta đến mọi thứ, từ chăm sóc sức khỏe đến du hành vũ trụ, từ quá trình va đập các nguyên tử vào nhau đến thiết lập hệ thống chính phủ. Khám phá này được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo một bài báo được công bố trên tạp chí Scientific Advances, một nhóm các nhà khoa học Pháp và Úc thuộc Đại học RMIT ở Úc đã thành công trong việc dạy một đàn ong cách cộng và trừ. Họ đã làm điều này sau khi có một nghiên cứu chứng minh rằng, ong mật có thể hiểu khái niệm về số không.

Để đào tạo những “nhà toán học” đang phát triển này, các nhà khoa học đã thiết lập một mê cung hình chữ Y đơn giản. Ở lối vào là một bức tranh có từ 1 đến 15 hình dạng màu vàng hoặc màu xanh. 

Hai lối ra cũng được đặt bức tranh với các hình đại diện cho câu trả lời đúng và câu trả lời sai.  Nếu là xanh, con ong sẽ phải cộng thêm 1 vào số lượng hình, còn nếu là vàng thì cần trừ đi 1.

Chẳng hạn, nếu xuất hiện 3 hình tam giác màu vàng thì câu trả lời đúng sẽ là 2. Khi đang ở trong mê cung, lối ra của con ong cũng ứng với câu trả lời tiềm năng, nếu chọn đáp án chính xác, nó sẽ được ăn nước đường ngon, còn sai thì sẽ phải nếm thứ nước có vị đắng chát.

Các nhà nghiên cứu nói rằng, lúc đầu những con ong, theo thói quen sẽ tìm đường ra một cách ngẫu nhiên, nhưng sau hơn 100 lần thử nghiệm, chúng dần bắt đầu biết nhận thức, các hình màu xanh đồng nghĩa với việc cần cộng thêm 1, còn màu vàng là bớt đi 1.

Nhà khoa học Adrian Dyer, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định, việc con người có thể dạy những nguyên lý số học thô sơ cho ong mật không chỉ tiết lộ thêm nhiều điều mới mẻ về thế giới của các loài động vật, mà còn cho thấy có thể dồn khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp vào bên trong một kết cấu nhỏ – tri thức này sẽ trở nên đặc biệt hữu ích khi phát triển các hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) tương lai.

Theo Adrian Dyer, nghiên cứu này còn cho thấy sự hiểu biết về Toán học có thể phổ biến trong vương quốc loài vật hơn những gì mà chúng ta nghĩ trước đây. Điều này có thể giúp con người phát triển AI thuận lợi hơn.

“Phát hiện của chúng tôi cho thấy nhận thức về số có thể được tìm thấy nhiều hơn nữa trong các động vật không phải người. Nếu toán học không đòi hỏi phải có một não bộ lớn thì rất có thể sẽ có những phương pháp cho chúng ta kết hợp sự tương tác giữa các quy tắc dài hạn với bộ nhớ vào những thiết kế đặc biệt, giúp cải thiện khả năng học hỏi của AI đối với những vấn đề mới”, ông nói.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ