Dạy Ngoại ngữ hiệu quả với CNTT

GD&TĐ - Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Huệ - Trường CĐSP Hà Nội - cho rằng, ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngoại ngữ nói là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy.

Dạy Ngoại ngữ hiệu quả với CNTT

Internet - công cụ hỗ trợ hoàn hảo

Theo giảng viên Nguyễn Thị Thanh Huệ, khi Internet ra đời, nó đã nhanh chóng trở thành công cụ hỗ trợ hoàn hảo hơn cả và được ứng dụng ngay vào việc giảng dạy, học tập ngoại ngữ kết hợp với sử dụng máy tính.

Đi kèm với Internet là hàng loạt các ứng dụng CNTT khác được áp dụng trong giảng dạy ngoại ngữ một cách phong phú và đa dạng. 

Các công nghệ hiện đại đó bao gồm phần mềm xử lí văn bản, mạng internet (mạng toàn cầu, phần mềm đưa tin, thư điện tử), đĩa CD, VCD, DVD, máy chiếu, camera, đĩa CD-ROM, đài, truyền hình (vệ tinh và truyền hình cáp). Rất nhiều các hoạt động dạy và học có thể được thực hiện với sự trợ giúp của những công cụ này.

Nhưng ứng dụng phổ biến nhất của CNTT trong dạy ngoại ngữ vẫn là việc sử dụng nguồn tài liệu từ internet. Đây là một kho vô tận về tài liệu cho giảng viên bao gồm báo và tạp chí trực tuyến, thông tin về tất cả các chủ đề. Giảng viên có thể sử dụng những tài liệu này giống như sử dụng những tài liệu in để tạo ra các tờ bài tập cho sinh viên.

Ngoài ra, giảng viên Nguyễn Thị Thanh Huệ cũng nêu ra hoạt động ứng dụng CNTT khác rất được ưa chuộng là giao bài tập dựa trên việc tìm kiếm thông tin từ internet bao gồm cả những bài tập nhỏ và lớn.

Đó có thể là phỏng vấn các đối tượng nào đó, hoặc tra cứu thông tin trong các sách hoặc đĩa CD-ROM tham khảo. Sinh viên cũng có thể được yêu cầu nghiên cứu về một chủ đề bất kì và sau đó làm một bài thuyết trình trước lớp.

Ngoài ra, Internet còn đem lại nhiều dịch vụ khác cũng rất hữu ích cho việc dạy và học như thảo luận nhóm qua e¬mail, video - conference, các diễn đàn, các phòng chat, liên lạc liên trường,...

Nhờ có những dịch vụ này mà học sinh có khả năng giao tiếp bất cứ lúc nào trên phạm vi toàn cầu. Vì thế giảng viên có thể thiết lập nhiều dự án và nhiệm vụ để khai thác các dịch vụ này nhằm giúp đỡ học sinh phát triển các kĩ năng ngôn ngữ.

Trong các phương tiện giao tiếp do internet cung cấp, email có lẽ là một trong những phương tiện hữu dụng nhất. Các hoạt động phổ biến nhất sử dụng email là trao đổi mail giữa các nhóm, trong lớp học, giữa các lớp với nhau, giữa người dạy và người học (tin nhắn cá nhân, thông tin phản hồi về các bài viết, nhật kí hội thoại ...).

Cuối cùng, theo chị Huệ, việc áp dụng các phần mềm thương mại để hỗ trợ các hoạt động dạy và học như phần mềm trình chiếu, phần mềm xử lí văn bản,... giúp ích cho giảng viên rất nhiều.

Người dạy có thể thiết kế một file trình chiếu để hỗ trợ bài học của mình làm cho hấp dẫn hơn. Phần mềm xử lí văn bản có thể được dùng để viết luận, chuẩn bị một lá thư đưa tin của cả lớp hoặc tạo ra một trang web của trường học.

Trên trang đó người học có thể tải lên các sản phẩm bài tập dự án của mình để nó có thể đến được với đông đảo khán giả hơn. Điều này sẽ làm cho họ cảm thấy có trách nhiệm hơn đối với sản phẩm cuối cùng của mình và do đó khiến họ làm việc tích cực hơn.

Ngoài ra, việc ứng dụng của tất cả các phương tiện kĩ thuật hỗ trợ hiện đại như nghe nhìn, giao tiếp, máy chụp ảnh, scanner,... cũng góp phần cho việc giảng dạy ngoại ngữ được phong phú, đa dạng nhờ tính sáng tạo và vận dụng CNTT của người dạy, người học.

“Trên thực tế, các ứng dụng công nghệ, đặc biệt là việc sử dụng CNTT trong dạy ngoại ngữ là vô hạn bởi các ứng dụng đó không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc vào sự sáng tạo của người dạy. Họ có thể góp phần tạo ra các ứng dụng mới cho công nghệ trong giảng dạy ngoại ngữ hiện nay” – chị Huệ nhận định.

Phát triển môi trường học ngoại ngữ tự giác

Các chuyên gia trong ngành dạy học ngoại ngữ cơ bản đều thống nhất rằng tính ưu việt đầu tiên của ứng dụng CNTT vào giảng dạy ngoại ngữ là làm tăng tính tự chủ và độc lập của người học cũng như phát triển môi trường học ngoại ngữ tự giác.

Cụ thể, người học sẽ có được sự tự tin khi học qua phương pháp thực nghiệm trong một môi trường có tính tương tác cao, trong đó người học có thể tiếp thụ và thực hành ngôn ngữ một cách trực tiếp. 

Khi được đào tạo bài bản và đầy đủ, máy tính có thể giúp người học trở thành những người học độc lập hơn. Việc sử dụng máy tính để học ngoại ngữ có thể giúp cho người học trở nên có kỉ luật hơn.

Chị Huệ đưa ví dụ về sinh viên lớp chuyên ngành tiếng Trung Quốc - Trường CĐSP Hà Nội. Sau khi được cung cấp một số phần mềm gõ tiếng Trung, luyện viết đúng thứ tự và một số trang web học phát âm từ tiếng Trung trực tuyến, các sinh viên đã có ý thức tự giác sử dụng các ứng dụng nêu trên để học tiếng Trung ở nhà nhằm trau dồi thêm kĩ năng ngoại ngữ của mình bởi thời lượng học trên lớp chỉ có giới hạn.

Thêm vào đó, giúp tăng hứng thú học tập của người học cũng là một lợi ích khác của việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy ngoại ngữ. Sử dụng ứng dụng của máy tính sẽ tạo động lực thúc đẩy sinh viên hứng thứ hơn với việc học ngoại ngữ.

Âm thanh, tranh ảnh và video trên máy tính sẽ cùng một lúc kích thích cả thị giác và thính giác của người học mà các tài liệu truyền thống không làm được. 

Như đối với sinh viên khoa Trung, trong giờ học từ mới, nếu cô giáo kết hợp sử dụng máy chiếu, cho xem những hình ảnh trực quan có liên quan đến từ mới, sinh viên sẽ nhớ từ nhanh và lâu hơn rất nhiều so với phương pháp học truyền thống là đọc và ghi lên bảng.

Bên cạnh đó, theo chị Huệ, CNTT có thể giúp giảng viên tạo ra một môi trường học mang tính xây dựng và có tính nhân văn trong lớp học nhờ có những đặc tính trò chơi tương tác của các chương trình máy tính và bản chất khám phá của internet.

Trên thực tế sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ thường rất hứng thú với trò chơi dạng “Đuổi hình bắt chữ”. Giảng viên cho sinh viên xem một clip sau đó cả lớp đoán câu thành ngữ, tục ngữ trong clip đó là gì. Đây là một chủ đề rất khó trong học ngoại ngữ, nhưng nhờ ứng dụng CNTT sinh viên có thể tiếp thu dễ dàng và thích thú hơn.

Đối với các giảng viên tiếng Trung, chị Huệ cho rằng, khi chuẩn bị giáo án, ngoài những kiến thức quy phạm trong sách giáo khoa nên tham khảo thêm trên một số diễn đàn học tiếng Trung uy tín như Dantiengtrung, tienghoa.net.vn, ... đồng thời tìm kiếm hình ảnh và clip mô phỏng bằng công cụ Google và Youtube.

“Nhưng, cần lưu ý rằng, giống như bất cứ tài nguyên và công cụ hỗ trợ giảng dạy nào khác, CNTT không thể tổ chức lớp học, người giảng viên luôn là yếu tố quan trong nhất cho sự thành công hay thất bại của một bài học, điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và tổ chức lớp học kĩ càng. 

Vì thế, giáo án soạn kĩ, quản lớp học tốt chắc chắn luôn là yêu cầu trước nhất trong việc khai thác các tính năng giáo dục của CNTT trong đào tạo ngoại ngữ” – Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Huệ nhấn mạnh.


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ