Dạy môn Sinh học tiếp cận định hướng chương trình - SGK mới

GD&TĐ - Từ nhiều năm nay, việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học, chú trọng phát triển năng lực học sinh, đồng thời đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá đã và đang được nhiều giáo viên triển khai có hiệu quả.

Dạy môn Sinh học tiếp cận định hướng chương trình - SGK mới

Về vấn đề tiếp cận với định hướng chương trình - sách giáo khoa mới, cô Trần Thanh Xuân (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định) - cho rằng: Việc áp dụng nhiều hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, tạo cơ hội cho học sinh được quan sát, thực nghiệm; tìm hiểu và khám phá khoa học; vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề lý thuyết và thực tiễn; thông qua đó phát triển các phẩm chất và năng lực cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Riêng với môn Sinh học, trong quá trình giảng dạy, cô Xuân cho biết mình đã và đang áp dụng nhiều phương pháp dạy học như: Đưa ra các tình huống có vấn đề, xây dựng các bài toán nhận thức, học tập theo nhóm… đồng thời áp dụng phần mềm ứng dụng CNTT trong soạn giảng, tăng cường đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá.

Sử dụng hiệu quả CNTT

Theo cô Trần Thanh Xuân, ứng dụng CNTT trong dạy học sẽ giúp giáo viên tạo hiệu quả bất ngờ cho bài giảng.

Ví dụ, khi hướng dẫn học sinh tìm hiểu về cấu trúc và chức năng của màng sinh chất (Bài 8 - Sinh học lớp 10), giáo viên có thể sử dụng phần mềm PowerPoint chuẩn bị hình ảnh động về cấu trúc và chức năng của màng sinh chất, rồi tạo thành một slide.

Khi bắt đầu bài giảng, giáo viên trình chiếu slide, yêu cầu học sinh quan sát hình ảnh; sau đó đặt câu hỏi, yêu cầu học sinh mô tả cấu trúc và cho biết chức năng của màng sinh chất. Học sinh sẽ dựa trên những hình ảnh đã quan sát để trả lời câu hỏi của giáo viên đưa ra.

Cũng với bài này, giáo viên có thể sử dụng phần mềm ActivInspire để tạo hình ảnh cấu trúc màng sinh chất trong hình ảnh một tế bào. Giáo viên dùng Layer để hình ảnh cấu trúc màng sinh chất ở lớp dưới, hình ảnh tế bào ở lớp trên; sau đó cũng dùng Layer để hình ảnh về cơ chế vận chuyển chủ động các chất qua màng ở lớp dưới, hình ảnh màng sinh chất ở lớp trên. Cuối cùng, sử dụng Magic để tạo kính lúp nhìn qua một lớp ảnh.

Giáo viên thực hiện tiến trình giảng dạy theo 3 bước. Bước đầu tiên là cung cấp phương tiện, công cụ cho học sinh (một cấu trúc tế bào, một màng tế bào (màng sinh chất) và một chiếc kính lúp). Học sinh sẽ sử dụng công cụ để tự tìm hiểu về cấu trúc và chức năng của màng tế bào.

Sau khi tự khám phá kiến thức, học sinh sẽ ghi lên bảng những đơn vị kiến thức vừa thu nhận. Cuối cùng, học sinh có thể tự kiểm tra bài làm của mình.

Đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá

Khẳng định đổi mới kiểm tra, đánh giá cũng vô cùng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học Sinh học, cô Xuân cho biết, để thực hiện nội dung này, giáo viên có thể trực tiếp soạn đề kiểm tra để đánh giá năng lực học sinh và hiệu quả giảng dạy của chính mình. 

Cùng với đó, khai thác năng lực tự đánh giá của học sinh bằng việc tổ chức chấm chéo bài. Học sinh phải chỉ ra trong từng câu trả lời của bạn, những điểm nào trùng với mình, những điểm nào khác, sau đó tự đánh giá những điểm khác đó là đúng hay sai hoặc chưa thể khẳng định.

Những trường hợp chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ đưa ra trước lớp để cùng thảo luận và giáo viên là người đánh giá cuối cùng. Thông qua mỗi bài chấm, học sinh không chỉ học được từ bạn kĩ năng, cách trình bày bài mà còn được bổ sung thêm kiến thức; biết các khiếm khuyết trong bài của bạn để tránh mắc phải trong bài làm của mình.

Xây dựng các bài toán nhận thức

Theo cô Xuân, lịch sử ra đời bài toán nhận thức gắn liền với văn minh nhân loại. Bài toán nhận thức vừa là phương tiện, sản phẩm trung gian, là cầu nối trước khi con người nhận thức sự vật khách quan.

Trong lĩnh vực sinh học, Đacuyn đã xây dựng bài toán nhận thức là chứng minh sinh giới có tính thống nhất và đa dạng. Trên cơ sở các dữ kiện lẻ tẻ, rời rạc, các mẫu thu được trong ngoại cảnh, Đacuyn đã móc nối các sự kiện đã quan sát được thành một chỉnh thể logic và hình thành thuyết tiến hóa hoàn chỉnh. Ông đã thành công trong việc sử dụng chọn lọc tự nhiên để giải quyết bài toán nhận thức của mình.

Ở các trường phổ thông hiện nay, bài toán nhận thức được các giáo viên gia công trên cơ sở kinh nghiệm, Những thiết kế bài toán nhận thức dựa trên ba tiền đề: Dựa vào cái đã có, dựa vào cái chưa có, cái đã có nhưng chỉ giảng tiềm năng.

Mỗi bài toán nhận thức có nhiều mức độ biểu hiện ở chỗ số lượng và chất lượng các ẩn số chứa đựng trong giả thuyết và kết luận. Việc giải bài toán đó phụ thuộc vào năng lực nhận thức của mỗi cá nhân, nên trong dạy học, việc sử dụng bài toán nhận thức đúng trình độ, phù hợp về số lượng và thời lượng sẽ tạo cơ hội phân hóa học sinh một cách tối ưu.

“Các bài toán nhận thức chứa đựng những yêu cầu, đòi hỏi học sinh phải đề xuất được các giả thuyết. Trên cơ sở đánh giá giả thuyết, học sinh sẽ tự đánh giá được kiến thức của mình ở mức độ nào, cần bổ sung ra sao và cần phải hợp tác với bạn bè như thế nào? 

Từ đó rèn luyện được biện pháp để nhận thức thế giới khách quan và biết rằng thế giới khách quan không cho sẵn; muốn nhận thức nó cần phải tạo cho mình một quy trình tiếp nhận và phải biết mổ xẻ để phân loại những dấu hiệu bản chất và không bản chất, đưa những dấu hiệu bản chất theo một quy trình để bộc lộ những kiến thức cần lĩnh hội” - Cô Trần Thanh Xuân nhấn mạnh.

“Nếu như sử dụng phần mềm PowerPoint, học sinh sẽ là chủ thể, đối tượng để chiếm lĩnh tri thức thông qua các hoạt động mà giáo viên tổ chức; thì với phần mềm ActivInspire, học sinh tự tìm hiểu kiến thức và kiểm tra mức độ chính xác của các đơn vị kiến thức vừa thu nhận”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ