Đẩy mạnh giáo dục thể chất từ cấp học đầu đời

GD&TĐ - Tại Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tới vấn đề thay đổi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của giáo dục thể chất trong nhà trường, về tính thiết thực, hiệu quả của giáo dục thể chất. Bộ trưởng cũng chính thức phát động toàn ngành đẩy mạnh tập thể dục buổi sáng, giữa giờ và mỗi nhà trường chọn một môn thể thao phù hợp để tập luyện.

Hoạt động tập thể dục giữa giờ của học sinh Trường Tiểu học Nậm Mạ (Lai Châu)
Hoạt động tập thể dục giữa giờ của học sinh Trường Tiểu học Nậm Mạ (Lai Châu)

“Giai đoạn vàng” của giáo dục thể chất

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục thể chất (GDTC) là thành tố quan trọng trong giáo dục phát triển toàn diện con người hoàn thiện đức - trí - thể - mỹ. Mặc dù vậy, lâu nay, giáo dục thể chất trong nhà trường vẫn bị “mặc định” là môn phụ.

Để là một môn học quan trọng, GDTC phải thay đổi để trở thành nhu cầu, niềm đam mê, có như thế mới không còn được coi là môn phụ. Phải làm sao để nhắc tới các hoạt động TDTT trong nhà trường, học sinh không cảm thấy sợ, ngại mà mong muốn được tham gia, chính các em thấy được ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động GDTC.

Bộ trưởng nhận định, làm tốt hoạt động GDTC trong nhà trường sẽ mang lại “tác động kép”: Một mặt nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho học sinh nhưng mặt khác giúp các em vui tươi hơn, tăng tính chủ động. Thời gian học sinh ngồi trên ghế nhà trường được xem là “giai đoạn vàng” của giáo dục thể chất. Nếu chúng ta tập trung nâng cao thể chất ngay từ các cấp học đầu đời, sẽ đỡ rất nhiều cho xã hội sau này.

Nhấn mạnh tới tính thiết thực và hiệu quả của GDTC, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục bám sát mục tiêu, nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành, từ đó vận dụng các hoạt động GDTC một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, thể trạng học sinh, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học, tạo phong trào thể dục thể thao trường học mang lại kết quả thực chất.

“Nhiều địa phương, nhà trường đề cập đến khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị, sân chơi, bãi tập phục vụ cho việc dạy và học GDTC. Đây đúng là vấn đề khó, vì vậy cần có sự linh hoạt để tận dụng tối đa các điều kiện của nhà trường, địa phương để tổ chức dạy và học, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa” - Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát động toàn ngành đẩy mạnh tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát động toàn ngành đẩy mạnh tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ 

Đẩy mạnh xã hội hóa

Bộ trưởng cho biết, phong trào TDTT, nhu cầu rèn luyện sức khỏe đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đây là cơ hội rất lớn để ngành Giáo dục tiếp cận được với các nguồn lực xã hội, xã hội hóa phong trào TDTT trong trường học. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát để ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa giáo dục thể chất trong nhà trường.

 Chỉ khi nào công tác GDTC và thể thao trường học trở thành nhu cầu tự thân thì khi đó mới tạo ra động lực cho tất cả thầy cô giáo, các em học sinh, cũng như các tổ chức cá nhân ngoài nhà trường cùng tham gia để tạo dựng thành phong trào thể thao thiết thực, lành mạnh và hiệu quả 
Bộ trưởng khẳng định.

Để bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên GDTC đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng lưu ý, các trường đại học sư phạm thể dục thể thao, khoa sư phạm giáo dục thể chất tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kỹ năng xử lý tình huống, mở rộng các chương trình hướng dẫn phong trào, tổ chức các câu lạc bộ; tài liệu giáo trình tránh lý thuyết mà chú trọng tới tính hướng dẫn thực hành, thiết thực và hiệu quả.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT sớm chuẩn bị để sơ kết Đề án tổng thể của Thủ tướng Chính phủ phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, qua đó nhìn nhận bức tranh giáo dục thể chất và thể thao trường học hiện tại, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Đề án và có các giải pháp triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng cũng chính thức phát động toàn ngành đẩy mạnh tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ và mỗi nhà trường chọn một môn thể thao phù hợp để tập luyện thành nền nếp, khuyến khích một số môn thể thao vừa rèn luyện sức khỏe, vừa phát triển tài năng như võ cổ truyền, bơi lội, bóng đá, bóng rổ.... Bộ trưởng lưu ý, không chỉ học sinh mới tập luyện thể dục thể thao mà các thầy cô giáo cũng phải đi đầu, làm tấm gương, động lực cho học sinh noi theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ