Dạy kỹ năng thích ứng với thiên tai cho HS miền núi

Dạy kỹ năng thích ứng với thiên tai cho HS miền núi

(GD&TĐ)- Nhằm nâng cao năng lực thích ứng, kỹ năng phòng tránh và giảm nhẹ khả năng bị tổn thương do tác động thiên tai cho đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; trong thời gian qua, một số đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai các chương trình dạy học có lồng ghép, tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) vào dạy học, đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa nâng cao kỹ năng phòng tránh rủi ro do thiên tai gây ra.

>>>Giảm nhẹ thiên tai tác động tới hoạt động dạy - học

>>>Phối hợp sức mạnh các lực lượng phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong giáo dục

>>>Cần thiết GD HS kỹ năng ứng phó với thiên tai

Trong một chuyến công tác gần đây, chúng tôi có dịp cùng tham gia một chương trình hoạt động ngoại khóa do Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) tỉnh Gia Lai tổ chức. Chương trình với chủ đề “Tìm hiểu về động đất” đã thực sự thu hút và lôi cuốn, bởi vậy, buổi học được học sinh tham gia hưởng ứng rất sôi nổi, qua việc trả lời câu hỏi và những tình huống xử lý do thầy cô đặt ra. 

Một buổi học ngoại khóa tìm hiểu về động đất do Trường PT DTNT tỉnh Gia Lai tổ chức.
Một buổi học ngoại khóa tìm hiểu về động đất do Trường PT DTNT tỉnh Gia Lai tổ chức.    

Em Rơ Ô Duy học sinh lớp 12 của trường bày tỏ: “Trước đây, em thực sự chưa quan tâm lắm đến hiện tượng động đất. Sự hiểu biết về hiện tượng này của em hầu như không có. Nhưng qua buổi học ngoại khóa này đã giúp em hình dung và thực sự hiểu như thế nào là động đất”. Sau khi được xem những hình ảnh về các thành phố bị động đất tàn phá và gây ra những cái chết thương tâm. Nhất là hành động ứng xử của con người Nhật Bản đã được thế giới nêu gương. Em Ksor Nho bộc bạch: “Em không thể tưởng tượng được động đất lại gây ra những hậu quả kinh hoàng vậy. Em mong rằng sẽ có nhiều buổi học ngoại khóa như thế này, nó sẽ giúp ích chúng em rất nhiều”.

Theo cô Phạm Thị Thu Huyền, Tổ Trưởng tổ Sử - Địa – GDCD (Trường PT DTNT tỉnh Gia Lai) thì thông qua việc tổ chức các buổi học ngoại khóa sẽ giúp ích học sinh dân tộc thiểu số rất nhiều, từ việc rèn luyện các kỹ năng nghe, nói và thuyết trình thì còn giúp học sinh hình thành nhân cách, kỹ năng ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống.

Cô giáo Phạm Thị Thu Huyền, cho biết thêm: “Trong thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về những hậu quả do động đất gây ra tại Nhật Bản. Nhân sự việc này, nhằm giúp học sinh năm bắt được động đất là gì, nguyên nhân nào gây ra nó và cách ứng xử của mỗi người sẽ như thế nào khi động đất xẩy ra. Không chỉ dừng lại đó mà qua buổi học ngoại khóa này nhà trường muốn dạy cho các em cách ứng xử, đối xử với nhau như thế nào. Giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình và có một thái độ biết chia sẻ khó khăn với người khác, khi họ không may hứng chịu các thảm họa do thiên nhiên gây ra”. 

Dạy kĩ năng thoát hiểm từ nhà cao tầng cho các em học sinh phòng, tránh các hiểm họa động đất, cháy, nổ. (ảnh: CS PCCC)
Dạy kĩ năng thoát hiểm từ nhà cao tầng cho các em học sinh phòng, tránh các hiểm họa động đất, cháy, nổ. (ảnh: CS PCCC)

Thầy Huỳnh Minh Thuận, Hiệu trưởng Trường PT DTNT tỉnh Gia Lai cho hay, đây là một trong nhiều chủ đề sinh hoạt ngoại khóa mà trong thời gian qua trường đã tổ chức, có mục đích nâng cao năng lực thích ứng và giảm nhẹ khả năng dễ bị tổn thương do tác động biến đổi khí hậu, thiên tai ở địa bàn vùng miền núi cho học sinh. Bởi vì, trong những năm gần đây, với sự gia tăng các hiện tượng thiên tai bất thường như: lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, cháy rừng, hạn hán…đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng cao.

Trong đó, các nhóm đối tượng đẽ bị tổn thương nhất chính là người nghèo, phụ nữ, trẻ em, học sinh người dân tộc đang cư trú ở vùng miền núi Tây Nguyên - Nơi được đánh giá là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Trong khí đó, nhận thức và sự hiểu biết của học sinh, con em đồng bào dân tộc về vấn đề này còn rất nhiều hạn chế.

Cô Phạm Thị Thu Huyền chia sẻ, Tây Nguyên có tiềm năng phát triển kinh tế lớn nhưng chủ yếu dựa trên sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn. Chính sự phát triển kinh tế theo chiều rộng, chưa quan tâm đã khiến vùng Tây Nguyên đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, nhất là vấn đề về môi trường.

Sự cạn kiệt tài nguyên nước và ô nhiểm nước ngày càng trầm trọng. Diện tích rừng đang ngày càng bị thu hẹp. Tài nguyên khoáng sản đang dần càn kiệt. Những hiện tượng thiên tai bất thường xẩy ra ngày càng nhiều…Tuy nhiên, sự nhận thức của học sinh vê những vần đề này còn rất nhiều hạn chế. Bởi vậy, việc cung cấp kiến thức giúp học sinh nhận biết được bản chất sự việc, từ đó hình thành ý thức cho học sinh là rất cần thiết.

Thầy Huỳnh Minh Thuận bày tỏ, việc tổ chức các buổi học ngoại khóa ngoài mục đích cung cấp kiến thức cho học sinh, thì còn tạo dựng cho học sinh một số kỹ năng thích ứng khi có hiện tượng thiên tai xẩy ra, như: các kỹ năng dự phòng nhằm chuẩn bị ứng phó với các rủi ro; kỹ năng bảo vệ với các giải pháp tránh các rủi ro và tạo sức chống chịu, thích ứng nhằm tăng sức chống chịu khi có rủi ro xẩy ra.

Ông Kpă Pual, Trưởng Ban Giáo dục dân tộc (Sở GD&ĐT Gia Lai) cho biết: Việc cung cấp các kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thông qua tổ chức các buổi học ngoại khóa là rất phù hợp với đặc điểm và tâm lý tiếp nhận của học sinh dân tộc. Trong thời gian qua, nhiều đơn vị trường học đã biết tận dụng và phát huy được phương pháp dạy học thông qua buổi học ngoại khóa mà chất lượng giáo dục dân tộc đã có một sự chuyển biến mạnh mẽ và khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn từng bước đã được rút ngắn. 

Trường Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ