Dạy học VNEN: Cần sự tận tâm và linh hoạt của người giáo viên

GD&TĐ - “Dạy học theo VNEN, người giáo viên không chỉ có kiến thức sư phạm, có hiểu biết xã hội mà còn phải thật sự tận tâm, thật sự yêu nghề, mến trẻ, biết khơi dậy ngọn lửa trong tâm hồn con trẻ để các em tự bước trên chính đôi chân của mình trên con đường chiếm lĩnh tri thức nhân loại” – đó là chia sẻ của cô Hoàng Thị Lý – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Điều kiện để đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học

 

Chúng tôi thực hiện nguyên tắc “quản lý chuyên môn bằng hoạt động chuyên môn, không quản lý chuyên môn bằng hoạt động hành chính”. Không buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, hạn chế chỉ đạo bằng văn bản mà phải đến tận nơi, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ trực tiếp người thực hiện. Mặt khác động viên, nêu gương kịp thời các tập thể, cá nhân có hoạt động tốt và ảnh hưởng tích cực tới Mô hình Trường học mới.

Cô Hoàng Thị Lý

Theo cô Hoàng Thị Lý, với vai trò là người tổ chức lớp học, giáo viên đã linh hoạt, chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập theo đối tượng học sinh; thực hiện ghi chép nhật ký cụ thể ở mỗi bài dạy để điều chỉnh, rút kinh nghiệm khi gặp những vướng mắc trong khi tổ chức các hoạt động theo tài liệu.

Giáo viên đã có sổ theo dõi, nhận xét kết quả học tập của từng học sinh qua từng bài, từng thời điểm cụ thể; phát huy được vai trò của các thành viên trong Hội đồng tự quản, nhóm trưởng trong hoạt động dạy - học, thực hiện luân phiên thành viên Hội đồng tự quản, nhóm trưởng và cơ cấu nhóm để nhiều học sinh trong lớp có cơ hội thể hiện bản thân, được hợp tác với các bạn trong lớp.

Ngoài việc chuẩn bị chu đáo đồ dùng dạy học: Phiếu bài tập, hình ảnh, đồ dùng trực quan… dự kiến tình huống trả lời, đáp án các câu hỏi, bài tập… làm tốt công tác tổ chức lớp học, giáo viên dạy VNEN có được kỹ năng thường xuyên sử dụng và biết cách “làm sống” các công cụ hỗ trợ học tập được trang trí ở trên lớp (Bảng thi đua, Điều em muốn nói, Hộp thư cá nhân, Bản đồ cộng đồng…) vào quá trình học tập nhằm gây hứng thú học tập cho học sinh và tạo không khí lớp học thoải mái.

Giáo viên có ý thức cao trong việc tự nghiên cứu tài liệu, nắm chắc nội dung bài dạy, linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng tài liệu Hướng dẫn học tập phù hợp với đối tượng học sinh của lớp, đặc điểm của tiết học, môn học. Phát huy vai trò của các thành viên trong Hội đồng tự quản, nhóm trưởng trong các hoạt động dạy - học.

Thực hiện luân phiên thành viên Hội đồng tự quản, nhóm trưởng và cơ cấu nhóm để nhiều học sinh trong lớp có cơ hội thể hiện bản thân, học sinh trong lớp được hợp tác với tất cả các bạn trong lớp.

Linh hoạt, chủ động điều chỉnh nhiệt độ học tập tùy theo đối tượng học sinh; thực hiện ghi chép nhật ký cụ thể ở mỗi bài dạy để điều chỉnh, rút kinh nghiệm khi gặp những vướng mắc về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động theo tài liệu. Có sổ theo dõi, nhận xét kết quả học tập của học sinh qua từng bài, từng thời điểm cụ thể.

Nâng cao ý thức sử dụng đồ dùng dạy học và sáng tạo trong tự làm đồ dùng dạy học của giáo viên: Chuẩn bị chu đáo đồ dùng dạy học như phiếu bài tập, hình ảnh, đồ dùng trực quan… dự kiến tình huống trả lời, đáp án các câu hỏi, bài tập…Tâm lý người dạy, người học và người dự giờ, thăm lớp thoải mái, gần gũi.

Cũng theo cô Hoàng Thị Lý, dạy học VNEN, học sinh nắm được phương pháp học tập nhóm, chủ động, tự giác trong học tập. Kỹ năng tự học của học sinh đã được hình thành và phát triển.

Với phương pháp học tập theo VNEN đa phần các em mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều, nhất là với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh học yếu. Học thông qua những trải nghiệm chính là hiệu quả tối ưu của mô hình trường học mới; do đó học sinh nắm bài kỹ hơn, nhớ lâu hơn.

Mỗi giờ học là những bài thực hành qua các hoạt động tự học nên các em chủ động, tự giác và thật sự trở thành trung tâm trong quá trình dạy học. Các em cảm nhận được việc học là niềm vui, là hạnh phúc và mỗi ngày đến trường đối với em thực sự là một ngày vui. Điều này thể hiện rõ nhất là tỷ lệ chuyên cần ở các lớp học có học có học sinh dân tộc thiểu số cao hơn, không có tình trạng học sinh bỏ học.

“Dạy học theo VNEN tạo điều kiện đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học và các hình thức dạy học trên cơ sở tổ chức các hoạt động phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng tự học của học sinh. Tăng khả năng thực hành, vận dụng, chú ý tích hợp với hoạt động phát triển ngôn ngữ của học sinh thông qua các hoạt động học tập” – cô Hoàng Thị Lý trao đổi, đồng thời cho biết:

Học sinh biết được quyền và nghĩa vụ của mình trong lớp học, có trách nhiệm với công việc được phân công. Các em tự giác hơn trong học tập, biết tự nghiên cứu tài liệu, biết hợp tác trong nhóm. Bước đầu các em đã hình thành được kỹ năng đánh giá về bạn bè và tự đánh giá mình.

Học sinh cũng chú trọng khai thác và sử dụng những kinh nghiệm của mình trong đời sống hàng ngày. Gắn kết giữa nội dung dạy học với đời sống thực tiễn của học sinh, của cộng đồng thông qua hoạt động ứng dụng của mỗi bài.

Đồng thời khuyến khích học sinh tích lũy kiến thức qua gia đình, cộng đồng, rèn cho các em kỹ năng giải quyết các vấn đề, các khó khăn của chính bản thân. Các kỹ năng sống như: Giao tiếp, nhận thức, tự lập, hợp tác với bạn, thể hiện bản thân… được hình thành và phát triển. Tiềm năng của từng em được khơi gợi, đánh thức… Mối quan hệ giữa thầy và trò thân thiện, gần gũi, chan hòa.

Điều kiện tiên quyết để VNEN thành công

Từ thực tế triển khai VNEN ở địa phương, cô Hoàng Thị Lý – cho rằng, muốn thực hiện VNEN thành công việc đầu tiên là làm tốt công tác tuyên truyền nhằm tìm được tiếng nói chung của xã hội với ngành Giáo dục. Mặt khác, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, giúp mọi người hiểu được bản chất cốt lõi của VNEN chính là thay đổi cách học, cách đánh giá người học.

Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác tham mưu với chính quyền địa phương, UBND các cấp và phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan ban ngành trong công tác giáo dục.

Một yếu tố quan trọng khác và là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của VNEN chính là cán bộ quản lý, giáo viên – học phải thực sự tâm huyết và hiểu được bản chất của VNEN. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý phải năng động, mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, còn giáo viên phải nhiệt tình, sáng tạo không dập khuôn, máy móc.

Cùng với đó, cần triển khai đồng bộ các hoạt động đổi mới như: Đổi mới phương pháp dạy - học; đổi mới sinh hoạt chuyên môn; đổi mới tổ chức lớp học; đổi mới đánh giá học sinh… đồng thời tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho việc áp dụng VNEN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ