Dạy học tiếng Anh theo hướng hội nhập

GD&TĐ - Tình trạng học sinh ngại sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động giáo dục tại trường ở cấp tiểu học khá phổ biến và để lại hạn chế nhất định. Để khắc phục tình trạng này đồng thời nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, tại Trường TH Lê Ngọc Hân (Lào Cai) đã tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng hội nhập một cách đổi mới sáng tạo. 

Giao tiếp với khách nước ngoài – một trong những cách học tiếng Anh hiệu quả
Giao tiếp với khách nước ngoài – một trong những cách học tiếng Anh hiệu quả

Đổi mới phương pháp dạy học

Cô giáo Trần Thị Minh Chung – giáo viên trường TH Lê Ngọc Hân cho rằng, tình trạng HS hạn chế sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động giáo dục chủ yếu do 4 nguyên nhân. Trước tiên, bởi tiếng Anh là một môn học kiến thức nhưng lại đòi hỏi người học có năng khiếu. Cùng đó, HS chưa đảm bảo được 4 kĩ năng “nghe – nói- đọc- viết”. HS chưa có môi trường để luyện tập và giao tiếp tiếng Anh; GV và cha mẹ các em mới quan tâm đến nội dung bài học, kiến thức mà chưa quan tâm đến việc ôn luyện, rèn kĩ năng cho HS.

Để giải quyết tồn tại trên và nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, Trường TH Lê Ngọc Hân đã tiến hành tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng hội nhập khi dạy học.

Bắt đầu từ việc đổi mới công tác quản lý chỉ đạo. BGH đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học ngay từ đầu năm theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho từng thành viên trong nhà trường để phát huy sáng tạo và trách nhiệm trong công việc. Mặt khác, đổi mới tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường. Từ những hoạt động đó cho HS được trải nghiệm tiếng Anh, giúp các em khắc sâu hơn các từ, các câu, phản xạ tốt hơn với các hoạt động thực tế trong cuộc sống, từ đó các em được sử dụng những vốn kiến thức tiếng Anh đã có vào thực tế.

Cùng đó, trường tổ chức tốt các hoạt động chào cờ, ngoại khóa bằng tiếng Anh. Giáo viên tiếng Anh kết hợp với Tổng phụ trách Đội xây dựng nội dung chào cờ theo tuần, trong đó lồng ghép các hoạt động bằng tiếng Anh như: bản tin tiếng Anh, hát múa, đóng kịch… Tổ chức cho HS giao tiếp thực tế với người nước ngoài ở khu ga Lào Cai để làm quen với tiếng Anh, giúp HS tự tin, hứng thú thích giao tiếp. Tạo ra sự đa dạng về sân chơi mang tính giáo dục cao, để HS được tham gia hoạt động trải nghiệm, biến những ý tưởng sáng tạo của HS thành hiện thực. Qua hoạt động thực tiễn hình thành ý thức, phẩm chất, kĩ năng sống và năng lực cho HS.

Việc bồi dưỡng phương pháp tự học tiếng Anh cho HS qua việc tổ chức câu lạc bộ (CLB) năng khiếu tiếng Anh trong nhà trường cũng được triển khai. Nhà trường tổ chức CLB dạy học tiếng Anh cho HS, các khối lớp tự đăng ký tham gia. Tổ chức theo các chủ điểm, chủ đề sinh hoạt theo tháng, theo tuần. Kết thúc năm học, CLB tổ chức hội thi để các thành viên tự đánh giá năng lực học tập, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm hoạt động của mình…

Tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng hội nhập trong dạy học tiếng Anh ở Trường TH Lê Ngọc Hân (Lào Cai) không dừng lại ở đó, hàng loạt các phương pháp cũng được tiến hành đồng thời như: Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường- xã hội, tạo cho HS có điều kiện và môi trường học tiếng Anh tốt nhất. Kiện toàn hoạt động của tổ chuyên môn. Xây dựng kế hoạch chương trình dạy học môn tiếng Anh hợp lý, hiệu quả; Đổi mới phương pháp dạy học môn tiếng Anh; Bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý trong nhà trường, đổi mới kiểm tra đánh giá; Mua sắm các thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo dạy học chương trình theo yêu cầu.

Thành quả từ đổi mới giáo dục

Quá trình đổi mới dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng hội nhập trong dạy học tiếng Anh đã nhận được sự cổ vũ, ủng hộ của cha mẹ HS. Từ đó, tạo điều kiện cho các em được học tập ở môi trường tốt nhất. Huy động kinh phí xã hội hóa giáo dục từ cha mẹ HS vì vậy tiết kiệm được kinh phí ngân sách. Bên cạnh đó, cũng thu hút được nguồn nhân lực miễn phí cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm, các sân chơi trí tuệ… từ phía khách du lịch và các trung tâm tiếng Anh.

Mặt khác, những phương pháp dạy học này đã tạo được môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh đơn giản trong đội ngũ nhà giáo, góp phần thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cho 100% HS tiểu học. Qua đó bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho giáo viên tiếng Anh, giáo viên TH; 100% giáo viên tích cực tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng dạy học và học trong nhà trường.

Đặc biệt, chất lượng môn tiếng Anh được nâng cao rõ rệt; kĩ năng nghe, nói, đọc, viết của HS tiến bộ vượt trội được thể hiện thông qua hoạt động giao tiếp, HS tự tin, đón khách và giới thiệu về nhà trường bằng tiếng Anh. HS đề xuất việc vận dụng trang trí trong và ngoài lớp học, các bản tin hàng ngày, hàng tuần bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh đã giúp HS có cơ hội ôn luyện kiến thức đồng thời giúp HS có thêm vốn từ vựng mới.

Năm học vừa qua, nhà trường có trên 300 lượt HS đạt giải các sân chơi, kì giao lưu cấp thành phố đến cấp quốc gia trong đó có trên 200 lượt HS đạt giải các môn liên quan tới kiến thức tiếng Anh, OSE, Olympic tiếng Anh, giải Toán bằng tiếng Anh qua mạng, Toán Úc… mang lại hiệu quả cao. Duy trì bền vững kiến thức cho HS bước vào lớp 6 chuẩn đầu ra A1… Đây là những con số đáng ghi nhận và minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của việc đổi mới dạy và học tiếng Anh tại trường.

Sử dụng một số biện pháp thích hợp để tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng hội nhập trong dạy tiếng Anh góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng môn học cho cán bộ GV, HS và PHHS trước yêu cầu của xã hội. Giúp cho công tác quản lý, chỉ đạo nhà trường bài bản khoa học, thống nhất và hiệu quả. Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho GV, từ đó GV có sự tương tác với HS trong quá trình học tiếng Anh và không ngừng tự học, tự bồi dưỡng… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hiệu quả là mấu chốt

GD&TĐ - Theo ADB, nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023.