Dạy - học tiếng Anh qua fanpage facebook

GD&TĐ - Thầy Phan Phú Cương - Giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) - chia sẻ một số phương pháp dạy - học tiếng Anh hiệu quả, trong đó có phương pháp Dạy - học qua fanpage facebook.

Dạy - học tiếng Anh qua fanpage facebook

Đa dạng mô hình học tập

Thầy Cương - cho biết, nhằm hỗ trợ cho việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường đạt hiệu quả và khắc phục khó khăn, các giáo viên trong tổ Ngoại ngữ đã tổ chức một số mô hình học tập như:

Học qua fanpage facebook. Những chiếc smart phone hiện nay đã trở nên rất phổ biến và việc sở hữu 1 chiếc smart phone có khả năng lướt web, truy cập các trang youtube, facebook là việc không quá khó khăn cho mọi người, ngay cả đối với học sinh vùng khó khăn.

Nhận thấy những mặt mạnh của trang xã hội Facebook, tổ Tiếng Anh nhà trường thành lập fanpage Chu Van An English Club trên facebook để làm cầu nối giữa giáo viên Tiếng Anh với học sinh.

Thông qua facebook, giáo viên và học sinh có thể trao đổi những nội dung kiến thức trọng tâm, những kiến thức học sinh chưa rõ. Giáo viên có thể cung cấp thêm kiến thức và bài tập luyện tập cho học sinh.

Hàng tuần giáo viên tạo google form để học sinh tham gia trả lời câu hỏi có thưởng. Kết quả được công bố và phát thưởng hàng tuần trong giờ chào cờ.

Bên cạnh đó, học theo nhóm cũng là một trong những mô hình hay và mang lại hiệu quả tích cực. Theo đó, giáo viên tiếng Anh có thể phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, phân công cho học sinh tự học theo nhóm.

Các em tự đăng ký về thời gian và địa điểm học nhóm trong các giờ học trái buổi. Giáo viên bộ môn cùng với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc tự học của học sinh.

Trong buổi học nhóm, học sinh cùng nhau giải quyết phần bài tập về nhà được giao, cùng nhau thực hiện các project, luyện giao tiếp bằng Tiếng Anh v.v....

Vận dụng linh hoạt chương trình Tiếng Anh mới

Ngoài ra, chúng tôi thực hiện một số giải pháp trong việc vận dụng chương trình Tiếng Anh mới như: Giáo viên thiết kế phiếu học tập bám sát theo bài học trong sách giáo khoa. Việc này rất cần thiết vì trên phiếu học tập có chỗ cho học sinh chú thích từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, ghi câu trả lời v.v...

Phiếu học tập còn bổ sung một số hoạt động giáo viên tự thiết kế. Các hoạt động trong sách giáo khoa không phù hợp với năng lực học tập của học sinh thì giáo viên có thể điều chỉnh cho phù hợp và thể hiện trên phiếu học tập.

Giáo viên soạn tài liệu bám sát và bổ trợ cho sách học sinh. Sách bài tập được chia thành từng phần cụ thể như pronunciation, vocabulary, reading, grammar, và writing. Ngoài các nội dung bám sát SGK, giáo viên bổ xung những kiến thức cần thiết và những kiến thức học sinh còn khiếm khuyết.

Qua nghiên cứu nhiều giáo trình giảng dạy Tiếng Anh quốc tế, chúng tôi nhận thấy giáo trình Solutions của đại học Oxford có cấu trúc gần giống với cấu trúc SGK Tiếng Anh mới. Nội dung trong bộ giáo trình phù hợp cho việc chuẩn bị cho học sinh tham gia các kỳ thi kiểm tra năng lực ngoại ngữ.

Do đó chúng tôi quyết định đưa bộ giáo trình Solutions vào dạy trong các tiết tăng tiết và phụ đạo cho lớp học chương trình Tiếng Anh mới.

Do chất lượng học sinh chỉ ở mức trung bình đến trung bình khá, chúng tôi sử dụng bộ Solutions Elementary cho khối 10, Solutions Pre-intermediate cho khối 11, và dự kiến Solutions Intermediate cho khối 12.

Đổi mới kiểm tra đánh giá

Chúng tôi tổ chức cho học sinh được đánh giá qua kiểm tra thường xuyên tối thiểu 3 lần mỗi học kỳ và phải có ít nhất một lần ở hình thức kiểm tra kỹ năng nói, một lần ở hình thức kiểm tra kỹ năng nghe và một lần ở dạng bài viết.

Ngoài ra, kiểm tra định kỳ (45 phút) là bài kiểm tra tích hợp gồm các kỹ năng nghe (20%), đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ. Bài kiểm tra phải có ít nhất 2 dạng câu hỏi cho mỗi kỹ năng/phần với định hướng đánh giá năng lực ngôn ngữ toàn diện của học sinh.

Cuối cùng là kiểm tra học kỳ theo các tiêu chí: kỹ năng nghe (20%), nói (20%), đọc (20%), viết (20%) và kiến thức ngôn ngữ (20%).

Bên cạnh việc thực hiện những quy định về kiểm tra đánh giá của Sở GD&ĐT Đồng Tháp. Giáo viên trường THPT Chu Văn An cũng áp dụng đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá khác như: đánh giá qua các sản phẩm viết của học sinh, đánh giá qua việc thực hiện các dự án học tập của học sinh (project), hay qua các presentation của học sinh.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận "Mô hình trường điển hình khắc phục khó khăn về dạy ngoại ngữ ở vùng khó khăn" của thầy Phan Phú Cương - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp), tại Hội thảo nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh vùng khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ