Dạy học tích hợp: Tạo môi trường cho giáo viên tự chủ

GD&TĐ - Kinh nghiệm gần 70 năm thực hiện học tập tổng hợp của giáo dục Nhật Bản là bài học quý cho Việt Nam khi triển khai dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Dạy học tích hợp: Tạo môi trường cho giáo viên tự chủ

Đó là khẳng định của nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương (Trường ĐH Kanazawa), giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, đồng thời là dịch giả một số đầu sách khá nổi tiếng về giáo dục Nhật Bản tại Việt Nam.

Ông có thể cho biết những hình dung cơ bản nhất về dạy học tích hợp ở Nhật Bản?

Ở Nhật Bản sau năm 1945, dưới ảnh hưởng của các học thuyết giáo dục hiện đại mà chủ yếu là học thuyết của J.Dewey, người ta không gọi là “dạy học” mà thường gọi là “chỉ đạo học tập”. Ở Nhật, họ cũng không gọi là “dạy học tích hợp” mà gọi là “học tập tổng hợp”.

Học tập tổng hợp được thực hiện tại Nhật Bản rất sớm, từ năm 1947, với sự ra đời của môn học rất mới được du nhập từ Mĩ là môn Nghiên cứu xã hội, thường được gọi vắn tắt là môn Xã hội. Đây là môn học tổng hợp Địa lý, Lịch sử, Công dân.

Trong bản “Hướng dẫn học tập môn Xã hội”, văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục Nhật Bản ban hành năm 1947 thì môn Xã hội được bố trí từ lớp 1 - 10, nghĩa là nó có mặt ở cả ba cấp học. Cùng với nó là sự tồn tại của môn Khoa học có tính chất tổng hợp dành cho các môn tự nhiên.

Sau gần 70 năm, trải qua nhiều thăng trầm, cả hai môn Xã hội và Khoa học vẫn tồn tại ở cả ba cấp học cho dù cơ cấu của nó có sự thay đổi. Chẳng hạn, đối với môn Xã hội thì ở tiểu học, môn học này được bố trí cho học sinh lớp 3, 4, 5, 6; còn học sinh lớp 1, 2 sẽ học môn Đời sống. Ở THCS, môn Xã hội gồm ba “lĩnh vực”: Lịch sử, Địa lý, Công dân. Đến THPT, môn Xã hội phân hóa cao chuyển thành các phân môn như Lịch sử - Địa lý (Lịch sử Nhật Bản A, Lịch sử Nhật Bản B, Lịch sử Thế giới A, Lịch sử thế giới B, Địa lý A, Địa lý B), Công dân (Xã hội hiện đại, Kinh tế chính trị, Luân lý).

Ngoài các môn giáo khoa vừa kể, học tập tổng hợp ở Nhật còn được tiến hành qua “Thời gian học tập tổng hợp”, một khoảng thời gian nhất định do các trường tự chủ về nội dung và phương pháp chỉ đạo học tập với các chủ đề có tính chất tổng hợp như: Môi trường, phát triển bền vững, mối quan hệ giữa nhà trường và địa phương…

Việt Nam có thể học hỏi được những gì để triển khai dạy học tích hợp từ những kinh nghiệm của Nhật Bản như trên, thưa ông?

Bài học thì nhiều nhưng có một thứ tôi nghĩ rất quan trọng đó là môi trường tự do và vai trò tự chủ của giáo viên trong dạy học. Nếu giáo viên có quyền tự chủ và thoải mái trong lựa chọn nội dung, phương pháp chỉ đạo học tập, tôi nghĩ họ sẽ làm rất tốt và giáo dục sẽ phục hưng nhanh chóng.

Các chủ đề học tập trong dạy học tích hợp thường phải là các chủ đề nằm trong vùng quan tâm, hứng thú của học sinh và thiết thực với đời sống. Vì thế, để thiết lập chủ đề, giáo viên phải chủ động nghiên cứu và điều tra thực tế. Nếu vai trò của họ đơn giản là thực thi, tôi nghĩ sẽ rất khó để có được kết quả tốt.

Tăng cường năng lực dạy học theo hướng tích hợp, liên môn được cho là một trong những vấn đề cần ưu tiên trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo ông, điều gì nên lưu ý khi triển khai dạy học tích hợp ở Việt Nam?

Cá nhân tôi tán thành chủ trương tích hợp (tổng hợp). Tuy nhiên, tôi không nghĩ sự thành bại của cải cách giáo dục hoàn toàn dựa vào “dạy học tích hợp”. Trong lịch sử cải cách giáo dục của Nhật Bản sau 1945, học tập tổng hợp như tôi nói ở trên được du nhập và triển khai nhưng nó không phải là yếu tố quyết định hoàn toàn thành công của giáo dục.

Nghĩa là việc thực hiện tích hợp không thể thay thế cho các cải cách toàn diện, căn bản khác trong giáo dục như: Cải cách hệ thống trường học quốc dân, mục tiêu - triết lý giáo dục, hành chính giáo dục, đào tạo giáo viên…

Tôi nghĩ về dạy học tích hợp nên thận trọng và nghiên cứu kĩ, kiểm nghiệm chắc chắn bằng các nghiên cứu học thuật nghiêm túc có tham chiếu với thế giới.

Được biết, ông đang thực hiện biên dịch cuốn sách “Hướng dẫn học tập môn Xã hội” của Nhật Bản. Cuốn sách này sẽ giúp ích như thế nào trong việc triển khai dạy học tích hợp ở tiểu học của Việt Nam?

“Hướng dẫn học tập môn Xã hội” của Nhật Bản được xuất bản lần đầu năm 1947. Đây là văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục Nhật đối với môn Xã hội (Nghiên cứu xã hội), môn học lần đầu tiên đưa vào Nhật Bản. Cuốn sách này xuất hiện trong bối cảnh Nhật Bản chuyển mình mạnh mẽ trong làn sóng cải cách để kiến tạo nên nước Nhật dân chủ. Tầm ảnh hưởng của bản Hướng dẫn học tập này rất lớn vì nó thể hiện rõ nhất triết lý của giáo dục Nhật Bản sau 1945.

Vì vậy, đọc cuốn sách này, giáo viên cũng như những người có liên quan ở Việt Nam sẽ hình dung được cách thức thiết lập mục tiêu, lựa chọn, cơ cấu nội dung giáo dục, thiết kế thực thi các hoạt động học tập, đánh giá hiệu quả học tập trong môn Xã hội. Cuốn sách được trình bày rất cụ thể và dễ hiểu, có kèm 3 ví dụ về chủ đề học tập được thực hiện ở lớp 1, 3, 5.

Tôi nghĩ cuốn sách sẽ là một tài liệu tham khảo quý cho độc giả Việt Nam. Có lẽ nó cũng là cuốn sách đầu tiên được xuất bản ở Việt Nam giới thiệu về dạy học tích hợp trên thế giới dưới dạng một “tư liệu gốc”. Tôi nghĩ giá trị của cuốn sách là nằm ở đó.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ