Dạy - học theo Mô hình VNEN đã đi vào nền nếp

GD&TĐ - Sau hai năm học triển khai dạy và học theo Mô hình Trường học mới - VNEN, công tác dạy và học theo Mô hình VNEN đã đi vào nền nếp ở tỉnh Bắc Giang.

Một lớp học theo Mô hình VNEN ở Bắc Giang.
Một lớp học theo Mô hình VNEN ở Bắc Giang.

Đáng chú ý là không chỉ ở những trường tham gia thí điểm mà cả ở những trường triển khai mở rộng áp dụng mô hình, việc dạy và học đã ổn định và phát huy ưu điểm của VNEN.

GV - HS đã quen với phương pháp dạy học mới

Dự một tiết học của học sinh lớp 4B Trường Tiểu học Cảnh Thụy (huyện Yên Dũng) mới thấy được việc dạy và học theo Mô hình Trường học mới VNEN của ngành Giáo dục nơi đây đã đi vào nền nếp.

Khách đến lớp đầu tiết học, Trưởng Ban đối ngoại của lớp - em Lưu Thị Vương Anh rất tự tin cho lớp đứng dậy chào và tổ chức lớp hát bài thân thuộc “Mái trường mến yêu”.

Nối tiếp sau đó là công việc của Hội đồng tự quản: Học sinh các nhóm tự động lấy đồ dùng học tập và làm theo hướng dẫn của giáo viên. Đây là tiết ôn tập Tiếng Việt 2 nằm trong tuần học thứ 11 của cấp tiểu học ở Bắc Giang. Học sinh các nhóm tự quản lần lượt hoàn thành ôn tập các yêu cầu của bài trước dưới sự hướng dẫn của nhóm trưởng và giáo viên. 

Tại một tiết học khác của lớp 4B Trường Tiểu học Bích Sơn (huyện Việt Yên) chúng tôi cũng thấy được nền nếp của lớp học và sự nhuần nhuyễn trong phương pháp của giáo viên dạy học theo Mô hình VNEN.

Đây là bài “Ba thể của nước” môn Khoa học; Dưới sự chuẩn bị và hướng dẫn của giáo viên, học sinh trong lớp say mê làm thí nghiệm, đo nhiệt độ của nước nóng, nước đá bằng nhiệt kế và tự cảm nhận, khám phá ra các kết luận thú vị như tại sao nước bay hơi, ngưng tụ tạo thành hạt sương li ti...

Các em tranh luận rất say mê rồi đưa ra những kết luận trong nhóm. Cuối buổi học, học sinh trong lớp đã nắm được các trạng thái của nước và vòng tuần hoàn của nước trong thiên nhiên.

Cô Phạm Thị Thúy, giáo viên trường Tiểu học Cảnh Thụy nhận định: Áp dụng giảng dạy theo Mô hình Trường học mới, bước đầu giáo viên chưa quen với phương pháp thì có phần vất vả khi lên lớp; Khi đã triển khai rồi thì giáo viên nhà trường rất say mê với phương pháp dạy học, cách thức tổ chức lớp học của VNEN.

Về phương pháp, cô Thúy cho biết, bước sang năm thứ 3 triển khai Mô hình VNEN tại trường, giáo viên nhà trường đã rất nhuần nhuyễn trong giảng dạy. Ban giám hiệu nhà trường hoàn toàn yên tâm và giao phó công tác chuyên môn dạy học theo Mô hình Trường học mới tại trường cho đội ngũ giáo viên.

Chất lượng giáo dục được nâng lên từng năm

Tỉnh Bắc Giang bắt đầu triển khai thực hiện dạy học theo Mô hình Trường học mới VNEN từ năm học 2012 - 2013 ở 15 trường tiểu học. Đến nay, tỉnh tiếp tục duy trì mô hình ở các trường này với 6.035 học sinh các khối lớp 2, 3, 4 và 5.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Nguyễn Thị Ngọc Thu, sau 2 năm triển khai Mô hình VNEN, chất lượng giáo dục học sinh của các trường VNEN có chuyển biến tích cực nhiều mặt. Trong đó biểu hiện rõ nhất về ba mặt kiến thức, kỹ năng các môn học/hoạt động giáo dục; năng lực và phẩm chất của học sinh.

Học sinh học tập một cách chủ động, tự tin thảo luận với bạn, với thầy cô để tự chiếm lĩnh kiến thức bài học cho bản thân, qua đó nhiều kỹ năng cá nhân được hình thành. Tổng kết xếp loại cuối năm học 2013 - 2014, tỷ lệ học sinh đạt học lực loại giỏi và tiên tiến là 3.423/4.302 em, đạt 80,57% (cao hơn 1,25% so với các lớp học sinh học chương trình hiện hành). 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu phấn khởi cho biết: Từ những kết quả đạt được sau 2 năm triển khai mô hình, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã hướng dẫn các đơn vị triển khai nhân rộng Mô hình VNEN ra các trường tiểu học, cho đến nay, toàn tỉnh đã có 89 trường VNEN với 296 lớp học ở các khối: 2, 3, 4, 5 và 8.270 học sinh. Các trường tham gia nhân rộng Mô hình VNEN ở các mức độ khác nhau trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả.

“Với sự nhất trí cao của nhà trường và cộng đồng các nội dung chương trình VNEN đã triển khai kịp thời và thực hiện tương đối hiệu quả, giáo viên và học sinh đã thích nghi với môi trường học tập rất nhanh.

Tại các trường triển khai VNEN đã có sự đổi mới, không khí học tập, mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nhà trường đang được cải thiện, hướng về người học. Học sinh thay đổi thói quen học tập, được rèn luyện nhiều hơn về các kỹ năng: Đánh giá và tự đánh giá; kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp trong cách hoạt động học theo nhóm”, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.