Dạy học theo dự án - Biến ý tưởng của học sinh thành sản phẩm

GD&TĐ - Với mong muốn giúp HS sử dụng các kiến thức đã học không chỉ ở bộ môn tiếng Pháp mà còn các môn học khác như địa lý địa phương, lịch sử địa phương… vào thực hiện các sản phẩm, các tư liệu để giới thiệu Đà Nẵng bằng tiếng Pháp, dự án dạy học “Đà Nẵng – điểm hẹn Pháp ngữ” do nhóm GV tiếng Pháp của trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) đã thu hút HS bởi cách dạy học gắn với thực tiễn sinh động…

Dạy học theo dự án - Biến ý tưởng của học sinh thành sản phẩm
Dạy học theo dự án - Biến ý tưởng của học sinh thành sản phẩm ảnh 1Dạy học theo dự án - Biến ý tưởng của học sinh thành sản phẩm ảnh 2Dạy học theo dự án - Biến ý tưởng của học sinh thành sản phẩm ảnh 3

Những kiến thức ở ngoài lớp học

Mỗi năm Đà Nẵng đón tiếp một lượng lớn khách du lịch lớn, trong đó có khách đến từ các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ như Pháp, Bỉ, Canada… Tuy nhiên, lại không có nhiều tài liệu giới thiệu về thành phố Đà Nẵng bằng tiếng Pháp cho các đối tượng du khách này.

Từ thực tế đó nhóm GV tiếng Pháp đã đưa ra dự án dạy học “Đà Nẵng – Điểm hẹn Pháp ngữ” với mục tiêu vừa giúp HS có thể thực hiện một nhiệm vụ phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, có tạo ra sản phẩm để giới thiệu.

Sau khi thí điểm tại trường THPT Hoàng Hoa Thám vào tháng 3/2015, năm học 2015 - 2016 dự án được chính thức triển khai tại 10 lớp tiếng Pháp ngoại ngữ 2 tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám và 2 lớp ở Trường THPT Phan Châu Trinh.

Tùy theo từng đề tài, HS sẽ tiến hành tìm kiếm thông tin, đi thăm các địa điểm, chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn…

Để hoàn thành bản đồ du lịch Đà Nẵng, Nguyễn Thị Thùy Vân và các bạn trong nhóm (lớp 12/12, trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết:

“Lúc đầu chúng em không đủ tự tin để tiếp cận và phỏng vấn du khách, nhưng sau thì quen dần. Ngoài rèn luyện ngoại ngữ, chúng em còn có cơ hội rèn luyện các kỹ năng khác như giai tiếp, lắng nghe, làm việc nhóm…”.

Hay như em Nguyễn Hồng Ân chia sẻ: “Kỷ niệm đọng lại trong chúng em khi thực hiện tập ảnh Người dân Đà Nẵng là nụ cười tươi rói của cô bán hoa cùng với đứa con nhỏ của mình, dù như cô chia sẻ là vụ hoa năm ngoái, gia đình cô lỗ nặng, nhưng năm nay vẫn xuống hoa cho một mùa Tết mới như chưa hề gặp phải những khó khăn.

Là câu chuyện buồn của cô bán kẹo kéo hơn 35 năm nay vẫn ngóng trông đứa con trai thất lạc không biết đang ở phương nào, là tinh thần lao động tận tụy của cô chú công nhân vệ sinh của những ngày giáp Tết…”.

Theo Nguyễn Hồng Ân, để ghi lại những khoảnh khắc rất đời thường cùng những câu chuyện của mỗi nhân vật là điều không đơn giản bởi “lúc đầu chúng em rất lúng túng khi tiếp cận, nhưng với sự chân thành của mình, chúng em đã được các nhân vật chia sẻ rất tự nhiên”.

Ngoài khó khăn về một số kỹ năng giao tiếp, Hồng Ân cho biết, nhóm của em cũng gặp khó khăn trong chuyển ngữ câu chuyện sang tiếng Pháp và đã được cô giáo giúp đỡ rất nhiều trong sử dụng từ, diễn đạt đúng ngữ pháp…

Sản phẩm được ứng dụng

Theo đánh giá của nhóm GV, dạy - học theo dự án có tác động rất lớn cho cả người dạy và người học. Để dự án “Đà Nẵng, điểm hẹn Pháp ngữ” thành công, mỗi GV trong nhóm phải tìm kiếm và rèn luyện các phương pháp kỹ thuật dạy học mới, thích hợp để đáp ứng được sự thay đổi vai trò từ trung tâm chuyển sang người tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho HS. Ngoài ra, GV còn phải mở rộng kiến thức không chỉ ở bộ môn của mình mà cả ở những bộ môn có liên quan.

Những bài học ở trên lớp gắn với thực tiễn sinh động đã giúp các HS hào hứng hơn trong học tập, dù môn tiếng Pháp là ngoại ngữ 2 của các em.

Ngoài cơ hội được rèn luyện các kỹ năng sống, HS còn có dịp tìm hiểu tiềm năng du lịch và ngành du lịch của thành phố, góp phần vào việc định hướng nghề nghiệp cho các em.

Học theo dự án cũng giúp HS phát huy tính chủ động, sáng tạo… Có những sản phẩm rất sáng tạo, như những kẹp sách nhỏ gọn, có trích dẫn thông tin một số điểm đến của Đà Nẵng cùng những hình vẽ minh họa đẹp mắt đã “lọt” vào tầm ngắm của một cán bộ Sở VH-TT-DL Đà Nẵng.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Với dự án “Đà Nẵng – Điểm hẹn Pháp ngữ, HS ngoài được trải nghiệm còn có cơ hội tạo ra những sản phẩm, thông điệp có ý nghĩa trong cuộc sống.

Các GV tổ tiếng Pháp đã rất tận tụy, nỗ lực trong công việc để biến ý tưởng của HS thành sản phẩm mà trong đó, nhiều sản phẩm có thể được sự dụng rộng rãi đến tay du khách nhằm quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng.

Để dạy học theo dự án thành công, đòi hỏi mỗi GV phải có tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo và nỗ lực trong công việc; chúng tôi mong muốn phương pháp dạy học này tiếp tục được duy trì và nhân rộng không chỉ ở môn tiếng Pháp mà còn ở những môn học khác”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...