Dạy học STEM: Giúp học sinh hiểu mình và tự khẳng định mình

GD&TĐ - Tổ chức Hội thi thiết kế mô hình sáng tạo và dạy học mở mang tính thiết kế phát triển năng lực sáng tạo là những hình thức tổ chức dạy học chủ đề STEM phổ biến cho HS trung học. 

Nhóm học sinh THPT và mô hình ý tưởng “Rào chắn barie tự động an toàn đường sắt”. Ảnh: Thạch Thảo
Nhóm học sinh THPT và mô hình ý tưởng “Rào chắn barie tự động an toàn đường sắt”. Ảnh: Thạch Thảo

Hội thi thiết kế mô hình sáng tạo

Hội thi thiết kế mô hình sáng tạo theo định hướng giáo dục STEM vốn được coi là hoạt động ngoại khóa ở trường THPT, trong đó các nhóm HS tự thiết kế sản phẩm ứng dụng kỹ thuật theo sở thích và khả năng, trên cơ sở định hướng của GV có sự vận dụng kiến thức khoa học và toán học vào thực tiễn.

Tiến trình tổ chức hội thi thường gồm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn chuẩn bị, GV phải xác định thời gian tổ chức hội thi, xác định đối tượng tham gia, hình thức tổ chức, xác định lực lượng hỗ trợ HS, thành lập ban tổ chức và công bố tiêu chí chấm điểm mô hình và cuối cùng là ra thông báo toàn trường.

Đối tượng tham gia hội thi có thể là toàn trường hay chỉ tập trung theo từng khối, mỗi lớp cử đại diện hay HS trong toàn lớp. Tiêu chí chấm điểm môn thi cần phổ biến rõ vì có tác dụng định hướng các em trong việc lựa chọn mô hình và lên phương án thiết kế, lựa chọn nguyên vật liệu. Ví dụ: Hội thi thiết kế mô hình sáng tạo theo định hướng giáo dục STEM; đối tượng tham gia: HS khối 10 và khối 11; hình thức: Mỗi lớp đại diện từ một đến ba đội, mỗi đội từ 3 đến 6 HS.

Trong quá trình tổ chức hội thi, các nhóm HS đăng ký mô hình và thực hiện đúng theo bảng phân công nhiệm vụ được thống nhất từ các thành viên. Sau khi tìm hiểu các ứng dụng kỹ thuật, các nhóm HS lựa chọn mô hình theo sở thích và khả năng nhóm. Từ đây đề xuất và lựa chọn giải pháp thiết kế, tìm kiếm nguyên vật liệu và thiết bị, tiến hành lắp ráp mô hình, vận hành thử nghiệm mô hình, phân tích và điều chỉnh các lỗi kỹ thuật, hoàn thiện mô hình và vận hành để tham gia hội thi. Ban tổ chức có nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện của các nhóm HS, điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn kịp thời khó khăn HS gặp phải.

Trước khi khen thưởng các mô hình đoạt giải cần có vòng sơ loại để vào chung kết. Không quên khuyến khích, động viên các nhóm HS có mô hình chưa đạt và cấp giấy chứng nhận cho HS để làm căn cứ đánh giá hạnh kiểm, kết quả hoạt động ngoại khóa của HS.

Ở giai đoạn kết thúc hội thi, ban tổ chức hướng dẫn HS kỹ hơn các kỹ năng cần thiết như: Soạn bài trình chiếu đa phương tiện, thiết kế poster hoặc Facebook giới thiệu sản phẩm, năng lực thuyết trình trước đám đông, phối hợp nhóm để vận hành mô hình, phản biện và trả lời câu hỏi, bảo vệ chính kiến...

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT 

Dạy học mở mang tính thiết kế chủ đề STEM

Về khái niệm, dạy học mở mang tính thiết kế là hình thức dạy học phát hiện và giải quyết những tình huống có vấn đề của cuộc sống nghề nghiệp liên quan đến nội dung chuyên môn. Về đặc trưng, dựa trên những kinh nghiệm của HS và cùng với nó để phát triển nhận thức kỹ thuật.

GV với vai trò là người truyền đạt tri thức chuyển hóa thành người tư vấn tổ chức cho HS tự nhận thức. Khơi dậy sự tò mò tìm kiếm cho các em. Muốn vậy cần phải phát hiện những tình huống có vấn đề mang tính tổng thể, có không gian quyết định, có độ tự do trong việc đưa ra các lời giải. Những lời giải của HS phải được tổng hợp lại thông qua đàm thoại trong quá trình làm việc nhóm. Hoạt động chủ yếu chính là hoạt động của người học tìm ra và quyết định lời giải tối ưu cho vấn đề đó. Về tiến trình, GV biết khuyến khích HS tìm kiếm các lời giải và chấp nhận các lời giải. GV cùng với người học nhận xét để họ thấy được các lời giải đúng. HS được tổ chức học theo nhóm, thảo luận, hợp tác với nhau và học lẫn nhau.

Dạy học dự án là dạy học đa phong cách giúp HS có cơ hội phát hiện và phát huy điểm mạnh của mình. Nên nhớ giao tiếp, hợp tác, quản lý, điều hành... là những kỹ năng sống quyết định đến sự thành bại trong mọi lĩnh vực ở thế kỷ 21 mà lối dạy học truyền thống có vai trò hạn chế. Rèn luyện kỹ năng sống cũng là mục tiêu của nhiều mô hình dạy học tích cực hiện nay hướng đến.

Thực tế cho thấy, nhiều nội dung học hiện nay trong chương trình có rất ít mối quan hệ với cuộc sống hằng ngày, SGK trước đây thiếu cập nhật nên những ứng dụng trong sách nhanh chóng lạc hậu. Rào cản này làm cho ý nghĩa của việc học trở nên khó thuyết phục, khiến các em không cảm thấy hứng thú. Vì vậy, biến nội dung học trở nên có ý nghĩa thực tiễn là một trong những cách làm cho người học hứng thú với việc học tập.

Dạy học dự án là cơ hội để phát triển những kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề thực tiễn. Đây còn là dịp để HS tự tìm hiểu chính mình, tự khẳng định mình. Dạy học truyền thống với quá trình học nặng tính hàn lâm, lý thuyết chỉ phù hợp với số ít HS có tiềm năng phát triển tư duy logic, còn với số đông, kiểu dạy học này gây áp lực kéo dài, làm HS mất dần sự tự tin vào bản thân, không phát hiện được khả năng của chính mình mà chỉ thấy mình ngày càng yếu kém, ngày càng không thích ứng.

Cùng với phát triển kỹ năng tư duy bậc cao như phân tích, so sánh, tổng hợp... dạy học dự án còn tạo điều kiện cho nhiều phong cách, khả năng học tập khác nhau, tạo môi trường cho sự hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau của HS vì sự phát triển toàn diện, nhiệm vụ học tập tới tất cả mọi HS. Mỗi HS vì thế đều phải cống hiến đóng góp vào quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập, đó là trách nhiệm, đồng thời cũng là mong muốn được tự khẳng định mình của mỗi cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ