Dạy học sinh cách quản lý tiền

Dạy học sinh cách quản lý tiền

Qua đó, trang bị cho các em những kiến thức nền tảng về kinh tế, tài chính, hướng tới xây dựng tư duy khởi nghiệp, kỹ năng, năng lực quản lý tài chính.

Lồng ghép vào nội dung môn học

Theo các giáo viên, dạy học sinh về vấn đề tiền bạc, hiểu được ý nghĩa, cách sử dụng đồng tiền, tiền có từ đâu… là khối lượng kiến thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong chương trình GDPT hiện hành không có nội dung về vấn đề này một cách cụ thể, rõ ràng. Đa phần, giáo viên phải tích hợp, lồng ghép qua môn Giáo dục công dân, Công nghệ ở khối THPT, còn ở cấp học nhỏ hơn sẽ lồng ghép vào các hoạt động, bài giảng, nhưng chưa đồng đều. Riêng một số trường quốc tế đã đưa chương trình này vào giảng dạy chính khoá cho học sinh.

Cô Phạm Nguyễn Quỳnh Thư, Tổ trưởng Tổ Công nghệ, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho biết: Nội dung giáo dục tài chính được tích hợp trong môn Công nghệ của lớp 10. Cụ thể, ở phần Thành lập doanh nghiệp đề cập kiến thức về Vốn, giáo viên sẽ lồng ghép để dạy học sinh một số nội dung liên quan đến tiền. Học sinh được cung cấp kiến thức về các loại tiền, sử dụng đồng tiền hiệu quả, tiết kiệm tiền, cách kiếm ra tiền, thu nhập của gia đình từ nguồn nào… qua đó giúp các em hiểu về tài chính, sử dụng hợp lý nguồn tiền tiết kiệm được.

"Có một vài em đã làm đồ handmade để bán, bán hàng online, sách cũ… Bước đầu cho thấy, các em có hiểu biết nhất định về tài chính, bắt đầu hình thành ý tưởng kinh doanh. Chúng tôi sẽ hướng dẫn các em cách sử dụng khoản tiền hợp lý, đúng mục đích và… tiết kiệm", cô Quỳnh Thư nói.

Theo cô Hoàng Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức), giáo dục về tài chính cho học sinh được giáo viên tích hợp vào một số tiết học của môn Giáo dục công dân, Công nghệ lớp 10. "Dù thời lượng chưa nhiều, nhưng bước đầu cung cấp kiến thức cơ bản nhất cho học sinh về tài chính, để hiểu được ý nghĩa của tiền bạc, biết tiết kiệm".

Ngoài ra, các trường cũng lồng ghép giáo dục tài chính qua các phiên chợ, ngày hội xuân… Tại đây, học sinh sẽ vận dụng những gì mình đã học để lên kế hoạch về món hàng chọn bán trong hội xuân, tự làm đồ ăn, đồ dùng, lưu niệm, cân đo đong đếm làm sao gian hàng của lớp mình hút khách, bán được nhiều mặt hàng và có lãi. Số tiền thu, các em sẽ làm thiện nguyện hoặc tặng cho bạn có hoàn cảnh khó khăn. Từ những hoạt động này, học sinh có thêm kỹ năng về giao tiếp, làm quen với việc buôn bán, quản lý tiền bạc, sử dụng tiền đúng mục đích… và quan trọng nhất là biết san sẻ yêu thương.

Dạy học sinh cách quản lý tiền ảnh 1
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) trong phiên chợ rau sạch.

Tích hợp với nhiều hoạt động

Để giáo dục tài chính cho học sinh, nhiều trường tiểu học tích hợp nội dung này vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp rất thú vị. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), những năm học trước, phiên chợ rau sạch được trường tổ chức định kỳ 2 lần/năm, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phụ huynh, sự tham gia tích cực của học sinh.

Theo đó, trường có vườn rau sạch trên sân thượng và học sinh sẽ chăm sóc, thu hoạch và… bán hàng. Theo cô Tống Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, một hoạt động nhưng mang lại cho học sinh rất nhiều ý nghĩa, bài học. Qua việc gieo trồng, chăm sóc rồi thu hoạch rau, các con hiểu được công việc của người nông dân, biết trân quý hơn về công sức lao động. Khi bán hàng, học sinh sẽ hiểu được ý nghĩa của đồng tiền.

Để có những khoản tiền nhỏ, các em đã bỏ công sức ra sao, số tiền thu được sẽ thành quỹ của từng lớp để các em chi tiêu trong các hoạt động của lớp như thế nào. Bên cạnh đó, ngày hội xuân, hội thu heo đất… cũng là những hoạt động được trường lồng ghép để giáo dục cho học sinh bước đầu hiểu được cách tiết kiệm tiền, ý nghĩa và cách sử dụng đúng mục đích.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), hoạt động câu lạc bộ (CLB) bếp nhí được nhà trường lồng ghép khéo léo về giáo dục tài chính cho học sinh. Ngoài dạy các em vào bếp, phân biệt các vật dụng, sử dụng các loại bếp an toàn, cách chuẩn bị, chế biến các món ăn cho bữa cơm gia đình… trong từng chủ đề sinh hoạt của CLB đều có hoạt động đi siêu thị mua nguyên liệu phục vụ bữa ăn.

Cụ thể, từng nhóm học sinh được cấp một khoản tiền nhất định, mua thực phẩm phù hợp với mức tiền được giao. Thực phẩm mà các em chọn thường là trứng, thịt heo, thịt bò, rau củ quả, trái cây… Bên cạnh rèn kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch, học sinh cũng cân nhắc khi hỏi giá từng sản phẩm để biết mua bao nhiêu, vừa với khoản tiền mình có, vừa bảo đảm món ăn trong mâm cơm.

Với một số trường ngoài công lập, chuyên đề giáo dục tài chính và tư duy khởi nghiệp được thực hiện cho học sinh từ bậc tiểu học. Theo đó, ngoài cung cấp kiến thức về tài chính, học sinh được cấp một nguồn vốn cụ thể. Từ nguồn vốn ấy, học sinh lên ý tưởng thực hiện kinh doanh mặt hàng nào, thực hiện ra sao… Cuối năm, khoản tiền các em có được sẽ tiếp tục đầu tư vốn kinh doanh cho năm sau, trích một khoản đi làm thiện nguyện… 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ