Dạy học ở lưng chừng trời

Dạy học ở lưng chừng trời

(GD&TĐ) - Từ Trường Tiểu học Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), vượt qua gần10km đường đá hộc nữa chúng tôi mới tới điểm trường Mỏ Phàng. Nếu không có chuyến thực tế tới điểm trường ở độ cao 1.600m, tọa lạc gần sát biên giới Việt - Trung này, khó có thể hình dung sự thiếu thốn, vất vả mà những thầy cô giáo và học sinh ở đây đang trải qua hàng ngày.

Không hẹn mà gặp, khi theo chân các sĩ quan biên phòng đồn Săm Pun vào thăm trạm công tác BP Mỏ Phàng tôi được dự bữa cơm thân mật giữa những người lính với già làng và các thầy cô giáo đang gieo chữ ở Thượng Phùng.

Tâm sự của các thầy cô giáo cho thấy, hầu hết mọi người trong ngày đầu lên đây đều ít nhất một lần nghĩ tới chuyện quay về vì đường xá đi lại quá khó khăn. Nhưng với những người mang con chữ lên cao nguyên Mèo Vạc, đó mới chỉ là thử thách đầu tiên.

Chị Thuận tận tình hướng dẫn học sinh trong lớp học bài
Chị Thuận tận tình hướng dẫn học sinh trong lớp học bài

Ngày là lớp học, tối là phòng ngủ

Cô giáo Hoàng Thị Độ, quê ở Bắc Quang, Hà Giang có lẽ là thành viên mới nhất gia nhập vào đội ngũ giáo viên cắm bản của xã Thượng Phùng. Độ mới lên đây được chừng 4 tháng, phụ trách lớp mầm non của xóm Tống Quáng Chải với 18 học sinh.

Độ tha thiết mời tôi đến thăm “cơ ngơi” của mình. Sau đoạn đường đất ghập ghềnh, hiện ra trước mắt tôi là một ngôi nhà trình tường nhỏ nhắn, mái lợp tôn. Đúng đợt gió mùa Đông Bắc thổi về, ngồi trong lớp của Độ có thể cảm thấy gió ở tứ phía. Độ bảo: Chẳng cứ gì ngày gió mùa đâu, bình thường ở trong lớp lúc nào cũng có gió bởi tường hở, mái dột”. Nghe cô nói, tôi quan sát, tường đất do làm từ lâu nên nhiều chỗ bị nứt, thủng, gió theo đó mà vào. Bàn ghế trong lớp hết sức đơn xơ. Phía cuối lớp, Độ xếp thêm mấy tấm ván cho học sinh ngồi. “Ở đây cái gì cũng thiếu. Mấy bộ bàn ghế cũ đó em xin ở trường chính về, còn chỗ ván kia là em xin nhà dân về kê cho các em có thêm chỗ ngồi.”.

“Thế chỗ ăn nghỉ của cô giáo ở đâu?” – tôi hỏi. Độ cười hóm hỉnh: “Ở đây chứ còn ở đâu nữa chị”. Như giải đáp ánh mắt thắc mắc của tôi, cô giải thích: “Hết giờ học, em thu dọn ghế vào một góc, xếp bàn của học sinh lại thành giường ngủ. Vì không có bếp nên em sang nhà vợ chồng chị Thuận (cũng là giáo viên) nấu ăn cùng. Bây giờ đỡ khổ hơn trước nhiều.

Hồi mới lên đây em còn phải ngủ nhờ nhà người dân. Ngày đầu tiên lên đây thấy đường đi khó khăn, lại vào tận nơi heo hút này em vừa buồn, vừa sợ, khóc luôn khi nhìn thấy “cơ ngơi” của mình. Có nhiều đêm mưa, nhà dột tứ tung, em ngồi ôm gối khóc cả đêm. Nếu không có các anh chị giáo viên đến trước động viên có lẽ em đã không ở lại vùng đất này”. 

Sau những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp đi trước, bây giờ Độ đã có một ít vốn liếng tiếng Mông để giao tiếp và dạy học sinh bằng song ngữ. Cô cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của phụ huynh học sinh nên không còn cảm thấy cô độc nữa. Tôi hỏi Độ có ý định quay về không. Cô không chia sẻ: “Ngày mới lên nhận công tác, nhìn trường lớp tạm bợ, chỗ ở không có, em định bỏ cuộc. Nhưng giờ, xa lớp một vài ngày là thấy nhớ nhớ, thiếu thiếu cái gì đó”. Phải chăng cái “nhớ nhớ, thiếu thiếu” của Độ chính là những học sinh bé bỏng của cô.

Các thầy giáo phải chở từng can nước về để nấu ăn
Các thầy giáo phải chở từng can nước về để nấu ăn

So với nhiều giáo viên trẻ khác, Độ vẫn là người may mắn do đã có được chỗ ở. Hoàng Thị Thảo, giáo viên mầm non bản Lùng Thúng còn rất trẻ, mới 20 tuổi, quê ở Chợ Đồn, Bắc Kạn. Hôm lên nhận công tác, Thảo được mẹ đưa lên. Vào đến bản, hai mẹ con ôm nhau khóc tại chỗ. Mẹ Thảo quá xót con nên nằng nặc bắt về. “Mẹ em bảo về nhà tìm việc khác con à. Ở đây khó khăn, đói khổ thế này sống làm sao được. Nhìn mọi thứ đều tạm bợ, em cũng hơi ái ngại nhưng lên đến đây rồi chẳng lẽ lại quay về ngay.

Em quyết định ở lại. Mẹ em đi về mà vẫn ngoái lại nhìn, gọi em. Sợ không nén nổi lòng, em không dám tiễn mẹ”- Thảo bộc bạch. Hiện tại, Thảo chưa có phòng ở, cô phải ở nhờ tại Ủy ban nhân dân xã. Sáng sớm, cô đi xe từ xã vào bản dạy, trưa quay ra xã, chiều lại vào. Tranh thủ vẫn còn sớm, học sinh chưa đến đủ, cô đem quần áo ra giặt. Thảo nói như giải thích: “Dưới xã không có nước. Giờ đang là mùa “khát” của Mèo Vạc, nước ăn còn phải hứng từng can, nước giặt càng khan hiếm. Ở đây nguồn nước mạnh hơn nên em phải mang đồ vào giặt ở đây”.

Lớp học của Thảo là ngôi nhà cũ của Đồn BP Săm Pun. Cửa sổ, cửa ra vào đều không có cửa, gió thổi thông thốc. Tường nhà bở vôi lỗ chỗ, nền nhà bục, vỡ nhiều. Lớp học chỉ có 4 chiếc bàn. Hôm chúng tôi đến, lớp có 14 học sinh, trong đó có 1 học sinh đặc biệt mới 2 tuổi, là em của một học sinh khác. Thảo cho biết: “Học sinh ở đây rất ngoan. Một số học sinh có em nhỏ nên mang theo em đến lớp vừa học vừa trông em. Hôm nay trời lạnh quá nên học sinh chưa đến đủ. Lát nữa em phải đi một vòng quanh bản gọi các em tới lớp”. 

Sau giờ học, cô giáo Độ xếp bàn học thành giường để ngủ, sáng dậy lại tháo giường, kê thành bàn ghế ngay ngắn cho học sinh học.
Sau giờ học, cô giáo Độ xếp bàn học thành giường để ngủ, sáng dậy lại tháo giường, kê thành bàn ghế ngay ngắn cho học sinh học.

Những tổ ấm nuôi mầm học

Để gắn bó với nghiệp “trồng người” ở độ cao 1.600m, thầy giáo Nguyễn Lương Tịch cùng cô Lý Thị Hương đã xây dựng tổ ấm của mình ngay tại Mỏ Phàng. Chị Hương quê Tuyên Quang, còn anh Tịch quê ở Vị Xuyên, Hà Giang. Cả hai đã gắn bó với Mèo Vạc được hơn 2 năm. Ngày mới lên dạy học ở Mèo Vạc, chị Hương dạy ở điểm trường Lủng Chư 1, 2, còn anh Tịch dạy ở trường Tiểu học Niêm Sơn. Sau này, cả hai anh chị được chuyển về điểm trường Mỏ Phàng.

Chị Hương kể: “Ngày trước ở Lủng Chư chưa có điện, buổi tối chúng tôi phải thắp đèn dầu để soạn giáo án, hoặc xách đèn pin đi vận động phụ huynh cho học sinh đi học. Về đây (Mỏ Phàng - PV), có điện nên cuộc sống khá hơn”. Đó là cách nói lạc quan của chị Hương. Thực tế cuộc sống của vợ chồng chị cũng như các thầy cô giáo khác còn thiếu thốn vô cùng. Vợ chồng chị phải mượn nhà của người dân để ở. Không nỡ xa con gái đầu lòng, khi bé vừa tròn 4 tháng, vợ chồng chị đón lên ở với mình dù biết thời tiết khí hậu ở vùng đất này rất khắc nghiệt, khiến cho trẻ nhỏ dễ bị ốm đau.

Những ngày này, cao nguyên Đồng Văn thiếu nước trầm trọng, ngoài giờ lên lớp, chị Hương và các thầy cô giáo phải tới khe nước hứng từng can nước mang về. Xong việc lại tranh thủ tới nhà người dân vận động học sinh đến lớp.

“Nhiều khi vào mùa thu hoạch, chúng tôi phải lên tận nương gọi các em đến lớp. Ở đây mùa thu hoạch ngô là mùa quan trọng nhất trong năm. Một số gia đình bắt các em phải nghỉ học đi thu hoạch ngô. Chúng tôi nhiều khi phải lên nương bẻ ngô giúp họ rồi lựa lời khuyên họ cho con đến lớp để theo kịp chương trình” – anh Tịch kể.

Cô giáo Đỗ Thị Hạnh, quê Hưng Hà, Thái Bình đã quyết định gắn bó với biên cương Mèo Vạc khi kết duyên với Đại úy Đoàn Khắc Điền, Tổ trưởng Tổ công tác BP Mỏ Phàng. Chị gắn bó với những học sinh vùng biên được 15 năm. Lên Mèo Vạc năm 1998, chị được phân công dạy ở điểm trường Xín Phìn Chư. 5 năm sau (năm 2003), chị chuyển về điểm trường Mỏ Phàng. Hai vợ chồng chị chưa xây được nhà nên vẫn phải ở nhờ nhà người dân. Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, chị xuýt xoa: “Ngày đó không có đường việc đi lại khó khăn vô cùng. Từ thị trấn Mèo Vạc vào tới trường phải đi bộ mất một ngày trời. Đã vào trường là không muốn ra, và đã ra thị trấn là không muốn vào. Từ năm 2003 mới có đường rải đá”.

Do đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt nên khi sinh con, chị Hạnh đều phải dứt lòng cai sữa khi bé mới được 11 tháng, gửi ông bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng hộ. “Nhớ con lắm. Cứ nhìn thấy con người khác lại nhớ con mình đến da diết”. Đến năm 2009, con đường từ thị trấn chạy vào các xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái bắt đầu được rải nhựa. Đến nay, người ta đang thi công những kilômets cuối cùng. Việc đi lại của chị Hạnh đỡ vất vả hơn nhưng mỗi năm chị Hạnh cũng chỉ về quê chồng ở Hưng Yên thăm 2 con nhỏ (một 10 tuổi, 5 tuổi) được 1 đến 2 lần.

Một ngày không gặp, là cô Độ đã thấy nhớ các học trò của mình.
Một ngày không gặp, là cô Độ đã thấy nhớ các học trò của mình.

Ở thôn Mỏ Phàng còn có cặp vợ chồng Vũ Thị Thuận và Trần Đình Thắng. Một người quê Bắc Quang, Hà Giang, một người quê Hà Tây. Họ gặp nhau ở Mèo Vạc, đồng cảm với nỗi vất vả, nhọc nhằn của nhau đã nên vợ nên chồng. Chị Thuận lên Mèo Vạc năm 1994 theo phong trào đi xóa mù 3 năm, hết niên hạn thì sẽ được chuyển về xuôi. Thế nhưng 16 năm nay, chị vẫn ở Mèo Vạc dù rất muốn về gần con.

Tổ ấm của chị là ngôi nhà trình tường vỏn vẹn 6m2 do người dân cho mượn. Chị kể: “ở điểm trường vất vả, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng thiếu nhất là nước sinh hoạt. Mùa khô chúng tôi phải xuống tận khe chở từng can nước về dùng. Nhiều hôm còn thức cả đêm để lấy nước”. Những khó khăn đó chị Thuận đều vượt qua được, chỉ duy có nỗi nhớ con là lúc nào cũng canh cánh bên mình. Nhìn gia đình người khác đầm ấm sum vầy, không ít lần chị phải ngậm ngùi lau nước mắt.

Chị tâm sự: “Vợ chồng mình có 2 cháu, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ mới có 4 tuổi. Mang tiếng bố mẹ là giáo viên những chưa dạy cho con được chữ nào. Cả 2 bé đều phải đưa về Hà Tây gửi ông bà nội khi mới 1 tuổi. Thương con đến thắt lòng, nhưng mỗi năm chỉ có thể về thăm chúng được một lần thôi. Mỗi lần về thăm là thêm nhớ. Ngày mình phải lên trường, đứa nhỏ cứ ôm chặt lấy mình dứt không ra được, con khóc, mẹ cũng khóc. Mong gần con lắm nhưng không được. Mình xin về mấy lần rồi mà không được. còn đưa các con lên đây thì vất vả cho chúng quá. Ở dưới xuôi điều kiện học hành thuận lợi hơn, nghĩ đến tương lai của các con mình đành dứt lòng xa con”.

Tâm sự của chị Thuận cũng là tâm sự chung của rất nhiều thầy cô giáo. Vì tương lai của những học trò vùng biên họ đã nén những niềm riêng, dành hết tâm lực cho sự nghiệp gieo con chữ trên cao nguyên đá.

Bích Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ