Dạy học Mỹ thuật với phần mềm đồ họa

GD&TĐ - ThS Quách Khánh Vân và ThS Đặng Quỳnh Anh (Trường CĐSP Hà Nội) cho biết, với các phần mềm đồ họa, người dạy Mỹ thuật có thể thống nhất các kênh hình ảnh nhằm giúp người học tin tưởng vào giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Dạy học Mỹ thuật với phần mềm đồ họa

Việc sử dụng những phần mềm ứng dụng giúp giảng viên Mỹ thuật ở trường CĐSP Hà Nội, giảng viên Mỹ thuật trong các trường phổ thông không những chủ động thiết kế bài dạy mang tính hiện đại mà còn tạo ra được nhiều tài liệu học tập và tham khảo cho HSSV một cách trực quan, sinh động. Nếu khai thác, sử dụng hợp lí sẽ phát huy được vai trò nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Theo ThS Quách Khánh Vân, có thể sử dụng các phần mềm căn bản, phổ cập và phù hợp như CorelDraw - phần mềm đồ họa ứng dụng trên hệ điều hành Windows, Corel Draw, hỗ trợ đắc lực trong việc thiết kế logo, thiết kế các mẫu vật như đồ gia dụng, bao bì, kẻ, vẽ chữ, vẽ quảng cáo, trình bày, trang trí bìa sách, báo, tạp chí, thiết kế thời trang, vẻ bản đồ chỉ dẫn ...

Với đặc tính vẽ hình bằng các vector, các đối tượng trong ảnh được quản lí bằng các công cụ toán học nên kích thước tệp ảnh khá nhỏ so với các ảnh và không bị vỡ hình khi kích thước thay đổi.

Hầu hết sản phẩm của Corel được sử dụng trong lĩnh vực mỹ thuật, do đó sản phẩm tạo ra phải có tính thẩm mỹ cao, tùy vào khả năng của từng người.

Ví dụ, từ những hình tròn và hình vuông, có thể dễ dàng vẽ được quân xúc sắc hoặc tạo bóng cho đồ vật, giúp giảng viên có được những hình ảnh trực quan hơn về vật mẫu cho người học.

Hoặc trong học phần trang trí, bài dạy về phương pháp kẻ chữ, nếu người dạy chỉ thuần túy sử dụng phương pháp truyền thống, dùng phấn trắng, bảng đen, thước kẻ hoặc một số phương tiện khác như giấy có dòng kẻ caro, hiệu quả giờ dạy vẫn đạt yêu cầu, nhưng bất tiện và tốn nhiều thời gian đầu tư và không lưu trữ sản phẩm.

Sử dụng phần mềm Corel để minh họa cho các bước hướng dẫn, giờ giảng đạt hiệu quả cao hơn, người học dễ hiểu và hứng thú làm bài. Hình ảnh minh họa cách kẻ chữ sẽ cho ta thấy hiệu quả của việc ứng dụng này. Trước hết bật công cụ hiển thị đường kẻ và bật chế độ bắt dính điểm, ta có thể dễ dàng kẻ chữ mẫu.

Ngoài CorelDraw, có thể sử dụng Adobe Photoshop là phần mềm đồ họa mang tính chuyên nghiệp để xử lí hình ảnh theo ý đồ sáng tạo cá nhân.

Adobe Photoshop làm việc với ảnh bitmap (là dạng hình có màu liên tiếp đã được chuyển thành một loạt những ô vuông nhỏ được gọi là đơn vị pixel).

Trong photoshop, người dùng cũng có thể làm việc với ảnh vector nhưng không mạnh mẽ bằng Corel Draw. Phần mềm này giúp ích nhiều cho người dạy. Có thể xử lí hình ảnh, tạo file ảnh phù hợp, chèn ảnh,.. .phục vụ công tác soạn giảng.

Trước khi chèn một hình ảnh vào văn bản thông thường hay trên các slide trình chiếu Powerpoint, cần xử lí hình ảnh cho chuẩn về kích thước, màu sắc, đậm nhạt và chọn kiểu file để lưu hình ảnh.

Ngoài ra, người dạy còn có thể tự thiết kế các mẫu bưu thiếp, poster quảng cáo đa dạng, phong phú để từ đó, hướng dẫn người học thực hiện.

Powerpoint là phần mềm ứng dụng có sẵn trong bộ Office, rất thiết thực cho việc trình chiếu trong hoạt động dạy - học; dễ sử dụng, nhiều ưu điểm cho các mẫu trình chiếu mang tính chất văn bản, hình ảnh, đồ thị,    

Powerpoint trong trình chiếu mang tính hoạt hình cao, hình ảnh có thể chuyển động nhiều hướng, đa chiều hết sức phong phú, linh hoạt trong các giờ hướng dẫn vẽ thực hành hoặc lịch sử Mỹ thuật nên hấp dẫn người học.

Nếu không có các ứng dụng CNTT vào bài giảng, người dạy chỉ có thể đưa một vài hình vẽ đặc trưng (có thể lấy mẫu từ những năm trước) nhưng màu sắc không được tốt (do đã dùng nhiều năm), hoặc không thể đưa ra các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng mà chỉ có thể mô tả bằng lời cho người học.

Khi được ứng dụng CNTT, người học có thể nhìn thấy một cách chân thực nhất những gì người dạy muốn mô tả trong bài học và ứng dụng tốt hơn vào bài làm của mình.

Người dạy có thể sử dụng những hiệu ứng trong Power point để làm sinh động thêm bài giảng của mình.

Tuy nhiên, để áp dụng các phần mềm đồ họa vào dạy Mỹ thuật có hiệu quả, ThS Đặng Quỳnh Anh cho rằng, nhà trường cần trang bị máy tính có cấu hình cao, phục vụ cho việc thiết kế và sử dụng các phần mềm đồ họa.

Môn học này phải được sắp xếp sau khi sinh viên hoàn thành môn Tin cơ sở để có kĩ năng sử dụng máy tính và trước khi đi thực tập để có thể ứng dụng ngay vào thời gian thực tập của mình.

“Để phù hợp việc giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành chuyên ngành, chỉ nên bố trí mỗi nhóm từ 12 đến 15 sinh viên” - ThS Đặng Quỳnh Anh đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ