Dạy học liên môn Toán và Vật lý

GD&TĐ - Mặc dù giữa Toán và Vật lý có mối quan hệ với nhau về kiến thức của một số chủ đề, tuy nhiên không phải GV bộ môn nào cũng biết tích hợp liên môn trong quá trình giảng dạy 2 bộ môn này để có hiệu quả tốt hơn.

Một tiết học Toán ở Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định
Một tiết học Toán ở Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định

Nội dung khái niệm “liên môn” có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Theo báo cáo tổng kết Hội nghị quốc tế về liên môn trong dạy học phổ thông của UNESCO năm 1989 về mặt khoa học luận, khái niệm liên môn có thể xem như đề cập sự kết hợp của nhiều môn học. Các môn học này tham gia vào một nhiệm vụ chung cho phép nảy sinh và tiến triển kiến thức mới bởi sự kết hợp của chúng.

Vai trò của liên môn tích hợp

Cụ thể hơn, đối với cấp độ tương tác giữa các môn học, liên môn bảo đảm sự cân bằng trong ảnh hưởng các môn học. Đây là sự kết hợp giữa các môn học khác nhau đối với các vấn đề mà tính phức tạp của chúng chỉ có thể được giải quyết bởi sự hội tụ và kết nối chặt chẽ của nhiều quan điểm khác nhau. Như vậy trong dạy học liên môn, chúng ta khảo sát một chủ đề, vấn đề hoặc đề tài bằng cách sử dụng phương pháp và ngôn ngữ riêng của nhiều môn học nhưng cùng nhằm vào mục đích phát triển quá trình học tập trong mỗi môn.

Sự liên môn trong dạy học có thể thực hiện theo những con đường khác nhau như: thiết lập mối liên hệ giữa các vấn đề ở trường học; nghiên cứu những chủ đề ở một môn học hoặc những chủ đề tạo nên những vấn đề của thực tế cuộc sống. Ngoài ra còn khuyến khích sự tìm tòi nghiên cứu của HS theo những mối quan tâm cá nhân của các em; giảng dạy những khái niệm và phương pháp chung được thực hiện trong những tình huống liên quan đến nhiều môn học khác nhau và không thuộc về một môn học đặc biệt; giảng dạy và truyền đạt một cách có hệ thống những phương pháp suy nghĩ và hành động trong một tập hợp lớn các tình huống…

Để thực hiện dạy học liên môn, về mặt thực hành, có thể tập hợp GV theo nhóm làm việc với mong muốn xóa bỏ hay dần vượt qua ranh giới của các môn học. Đồng thời cần kết nối và mở rộng một cách có hệ thống hoạt động học thông qua các cuộc thi, hoạt động xã hội cả ở trong và ngoài trường học.

Lấy một ví dụ về liên môn giữa Toán và Vật lý đối với chủ đề vectơ. Khái niệm vectơ được trình bày trong SGK Hình học lớp 10 và lớp 12, đồng thời cũng xuất hiện rất nhiều ở môn Vật lý xuyên suốt từ lớp 8 đến lớp 12. Như vậy hoàn toàn có thể dạy học liên môn Toán - Vật lý đối với chủ đề vectơ.

Sách giáo viên Hình học lớp 10 còn chỉ rõ: “Ở chương trình lớp 10 vectơ sẽ áp dụng để chứng minh các hệ thức lượng trong tam giác và đường tròn. Ngoài ra các kiến thức về vectơ sẽ được áp dụng trong Vật lý như: vấn đề tổng hợp lực, phân tích lực theo hai thành phần, cộng sinh ra bởi một lực” (Sách giáo viên Hình học 10 bộ Nâng cao, trang 5). Vậy trong thực tế dạy học của GV Toán và GV Vật lý, mối liên hệ liên môn này được khai thác như thế nào?

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Các giải pháp

Lâu nay, hầu hết GV dạy Toán rất ít liên hệ với kiến thức Vật lý khi giảng dạy vectơ với lý do là không am hiểu về bộ môn khác sợ dẫn đến sai sót. Mặt khác đề thi Toán không có phần liên hệ với Vật lý. Việc trao đổi giữa các GV bộ môn Toán và bộ môn Vật lý về mối liên hệ giữa hai môn học cũng rất ít xảy ra ở trường phổ thông bởi nhiều lý do khách quan khác nhau.

Vì vậy, trong thực tế, sự trao đổi giữa các GV ở hai môn học về chương trình và kiến thức vectơ hầu như ít xảy ra. Đây là lý do sự tương ứng và ngắt quãng giữa Toán và Vật lý liên quan đến khái niệm vectơ không được GV Toán tính đến trong dạy học, đồng thời việc trao đổi chuyên môn với GV Vật lý cũng không được thực hiện. Vì vậy GV Toán rất ít khi đưa ra những bài toán vật lý nói chung và những bài toán liên quan đến vectơ nói riêng trong quá trình dạy học của mình.

Đối với GV Vật lý, họ cũng chỉ thấy, mối liên hệ liên môn với Toán trong quá trình dạy học nếu có chỉ là sử dụng các kiến thức Toán như một công cụ. Vì thế trong những lúc đứng lớp, GV Vật lý cũng không có trao đổi chuyên môn với GV Toán để tạo ra sự gắn kết giữa hai môn học. Từ đó có thể đi đến kết luận: Việc dạy học Toán và Vật lý là hai môn học tách rời. Các GV bộ môn không có sự hợp tác làm việc hay trao đổi qua lại để tạo ra sự gắn kết giữa hai môn học. Như vậy việc dạy học liên môn chưa được GV Toán và Vật lý quan tâm.

Dạy học liên môn và mô hình hóa cho phép HS hiểu được mối quan hệ giữa Toán học với các môn khoa học khác với cuộc sống xung quanh, từ đó làm cho các em nhận ra ý nghĩa của việc học các tri thức toán. Thông qua dạy học liên môn, HS được trang bị và rèn luyện khả năng sử dụng toán như một công cụ để giải quyết các vấn đề, từ đó HS thấy được vai trò của toán học trong thực tế.

Để có thể thúc đẩy việc dạy học liên môn ở trường phổ thông, thiết nghĩ cần đẩy mạnh một số giải pháp: Trước hết, cần bồi dưỡng cho GV về dạy tích hợp liên môn để họ nắm rõ cơ sở lý thuyết cũng như quy trình thiết kế một tình huống dạy học tích hợp liên môn. Từ đó họ có thể vận dụng vào thực tế dạy học của mình. Bên cạnh đó, xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn để làm nguồn tư liệu cho GV tham khảo và sử dụng. Đồng thời tổ chức nghiên cứu bài học cho GV Toán và GV các bộ môn khác. GV các bộ môn có thể cùng làm việc với nhau, trao đổi về các môn học và sự liên môn của chúng, cùng soạn thảo chủ đề, bài dạy. Hy vọng, với cách thức kết hợp này kiến thức các môn học có thể sẽ được liên kết chặt chẽ và phong phú hơn.

Để thực hiện dạy học liên môn, về mặt thực hành, có thể tập hợp GV theo nhóm làm việc với mong muốn xóa bỏ hay dần vượt qua ranh giới của các môn học. Đồng thời kết nối và mở rộng một cách có hệ thống những hoạt động học tập thông qua các cuộc thi, hoạt động xã hội cả ở trong và ngoài trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ