Dạy học Lịch sử qua... fanpage

GD&TĐ - Fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” được hình thành từ rất nhiều tâm huyết của các thầy cô giáo Trường THCS Trương Hán Siêu (Ninh Bình).

Học sinh Trường THCS Trương Hán Siêu trải nghiệm tại Khu di tích cố đô Hoa Lư.
Học sinh Trường THCS Trương Hán Siêu trải nghiệm tại Khu di tích cố đô Hoa Lư.

Sản phẩm sáng tạo này góp phần giúp học sinh tiếp cận các kiến thức Lịch sử một cách sinh động, nhẹ nhàng, đầy cảm hứng, bồi đắp tình yêu và niềm tự hào đối với lịch sử nước nhà; số lượng học sinh hứng thú học tập đối với môn Lịch sử trong trường cũng tăng lên rõ rệt.

Tìm cách dạy học Lịch sử hấp dẫn

Mặc dù vai trò và vị trí của môn Lịch sử trong chương trình phổ thông được đánh giá cao, nhưng qua tìm hiểu và nghiên cứu thực tế của các thầy cô dạy Lịch sử tại Trường THCS Trương Hán Siêu, nhiều học sinh không hứng thú học Lịch sử, hiểu biết về lịch sử dân tộc rất hạn chế, ít chọn thi môn Lịch sử. Học sinh chưa thực sự tập trung tìm hiểu sâu bài học mà chỉ dừng lại ở mức độ học thuộc những gì thầy cô cho ghi…

Phương pháp dạy học Lịch sử hiện nay chủ yếu vẫn theo cách truyền thống "thầy giảng - trò nghe", đọc - chép, tư liệu chủ yếu là sách giáo khoa, sách giáo viên. Học sinh phải thuộc lòng các kiến thức Lịch sử, nhớ các sự kiện lịch sử một cách máy móc, phải ghi chép nhiều…

Không thể nói phương pháp truyền thống không có ưu điểm; tuy nhiên cũng phải nói rằng, cách dạy học này có phần áp đặt một chiều; ít định hướng cho học sinh khả năng tìm tòi, nghiên cứu thêm tư liệu ở bên ngoài sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, còn thực trạng chính bản thân giáo viên vẫn xem nhẹ bộ môn của mình, chưa chú trọng đổi mới phương pháp dạy học; ít chú ý đầu tư chiều sâu cho bài giảng; khi dạy học thường chú ý đến kênh chữ mà ít chú ý khai thác kênh hình…

Nhận thức rõ những vấn đề trên, cùng thông tin từ nhiều nghiên cứu xã hội học cho thấy lứa tuổi học sinh ngày nay thích xem, thích nghe hơn thích đọc; đa số học sinh rất thích tham gia hoạt động tập thể, ngoại khoá; sức cuốn hút mạnh mẽ của mạng xã hội Facebook với giới trẻ... các thầy cô Trường THCS Trương Hán Siêu đã nảy ra ý tưởng xây dựng fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” và tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao hứng thú học tập môn Lịch sử.

Sau một thời gian lên ý tưởng, sự chọn lọc tư liệu công phu, fanpage này đã đi vào hoạt động và có đóng góp thực sự trong việc thay đổi nhận thức, tình yêu của học sinh đối với môn Lịch sử vốn được coi là nặng nề, khô khan.

Giao diện fanpage "Học Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ"
Giao diện fanpage "Học Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ" 

Nhiều lợi ích từ fanpage về lịch sử

Hiện nay đã có không ít các fanpage về lịch sử; nhiều trang có lượng truy cập lớn, có nhiều tư liệu lịch sử quý hiếm. Tuy nhiên, thạc sĩ Vũ Ngọc Lan Anh - giáo viên Trường THCS Trương Hán Siêu - cho rằng, nội dung những trang mạng trên dành cho nhiều lứa tuổi; nhiều trang chưa được kiểm duyệt và có nội dung, bình luận, bài viết không phù hợp với lứa tuổi học sinh, đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.

Chia sẻ về khác biệt của fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ”, theo thạc sĩ Lan Anh đó là nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS và kiến thức lịch sử Việt Nam ở bậc học này. Đặc biệt, cùng với fanpage, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương; kết hợp fanpage với tổ chức tìm hiểu các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; kết hợp sử dụng fanpage trong các giờ dạy Lịch sử và sinh hoạt ngoại khóa. Ngoài ra, toàn bộ tư liệu của fanpage đều được lấy từ nguồn chính thống, có kiểm duyệt nội dung chặt chẽ.

“Nguồn tư liệu của fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” rất sát với chương trình Lịch sử THCS, các thầy cô giáo dạy Lịch sử cũng đưa lên trang fanpage những đề cương ôn tập lịch sử, giúp học sinh nắm bắt môn học dễ dàng hơn. Fanpage cũng góp phần cung cấp thêm tư liệu cho các thầy cô giáo trong giảng dạy, như video clip, phim hoạt hình, phim tài liệu; thầy cô và học sinh dễ dàng truy cập, sử dụng.

Fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” còn tạo ra một diễn đàn để các thầy cô giáo, học sinh, những người hiểu biết về lịch sử có điều kiện trao đổi, học hỏi để mở mang kiến thức, hiểu biết của mình về lịch sử nước nhà. Cách làm này mở ra một hướng mới trong khai thác, ứng dụng trải nghiệm thực tế trong dạy và học môn Lịch sử nói riêng và học tập nói chung.

Nếu Bộ GD&ĐT cùng đội ngũ chuyên gia, các nhà Sử học lập những fanpage tương tự và có chất lượng, có chiều sâu và đầy đủ hơn thì chắc chắn sẽ góp phần đáng kể trong việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao cất lượng học tập môn Lịch sử của học sinh hiện nay” - thạc sĩ Lan Anh bày tỏ.

Tính đến ngày 1/3/2016 trang fanpage đã cập nhật 608 ảnh và các kiến thức Lịch sử có liên quan tới các bức ảnh đó (trong đó có album ảnh về lịch sử địa phương Ninh Bình); 49 video phim tài liệu lịch sử; 24 video phim hoạt hình lịch sử; đố vui lịch sử; thơ lịch sử gồm cả sưu tầm và tự sáng tác và 35 audio.

Nhiều học sinh Trường THCS Trương Hán Siêu cho biết, fanpage này giúp các em tiếp cận với các kiến thức lịch sử dễ dàng, sinh động thông qua các tư liệu bằng hình ảnh, clip, văn, thơ… Trong đó, đặc biệt là các album ảnh lịch sử với chú thích rõ ràng, dễ hiểu.

Tuy nhiên, điều băn khoăn của những người xây dựng lên fanpage này là các bài đăng không được sắp xếp thành các cây thư mục giống như blog, website mà chỉ có thể đuợc sắp xếp theo dòng thời gian.

Ngoài ra, việc học lịch sử qua fanpage đòi hỏi học sinh phải có tinh thần tự giác, nếu không sẽ dẫn đến sa đà dùng facebook vào các mục đích khác. Do đó, các thầy cô cần tuyên truyền cho học sinh nhiều hơn về ý thức học tập, cũng như có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong quản lí sử dụng fanpage, facebook...

Dự án fanpage “Lịch sử Việt Nam qua ảnh và thơ” đạt giải nhì trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2015- 2016 của tỉnh Ninh Bình; giải ba lĩnh vực trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2015- 2016; Giấy khen, giấy chứng nhận và phần thưởng của NXB ĐHSP Hà Nội; Giấy chứng nhận và phần thưởng của ĐH Thái Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ