Tham dự có đại diện các trường ĐH, CĐ trong và ngoài nước; các cơ sở GD&ĐT có các loại hình đào tạo liên quan.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đặc biệt nhấn mạnh Hội thảo hôm nay rất phù hợp với những nội dung trong chương trình hành động của ngành GD, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.
Chương trình hành động của ngành GD bao gồm đổi mới tư duy quản lý, phương thức dạy và học, tiếp thu những kinh nghiệm tốt trên thế giới để nâng cao hiệu quả và chất lượng GD-ĐT. Đổi mới mục tiêu giảng dạy lần này đã được xác định theo hướng phát huy năng lực của người học thay vì tập trung cung cấp kiến thức như trước đó.
Do đó cách dạy của người thầy và cách học của sinh viên cũng phải thay đổi. Ngoài đổi mới cách dạy và học truyền thống, chúng ta cũng phải nhanh chóng phát triển các phương thức dạy và học mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông. Điều này chúng ta có thể học tập được nhiều kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Việc dạy và học trong thời đại ngày nay không còn chỉ bó gọn trong phạm vi của từng trường, từng quốc gia mà là sự kết nối của nhiều nền giáo dục khác nhau. Tri thức ngày nay được phổ biến nhanh chóng thông qua các kênh thông tin, truyền thông. Nhờ vậy việc tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trở nên bình đẳng hơn đối với tất cả mọi người.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga bày tỏ mong muốn: Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, đổi mới dạy-học-chia sẻ, chúng ta rất cần những hoạt động nghiên cứu, những hội thảo khoa học để đổi mới nhận thức, tạo sự đồng thuận để cùng nhau hành động quyết liệt và có hiệu quả.
Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm với sự nghiệp chung, cũng như đề xuyết những bài học kinh nghiệm hữu ích. Từ thực tế triển khai đào tạo mở - từ xa hết sức hiệu quả, PGS.TS Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội đã làm rõ hiệu quả của việc mở rộng cơ hội học tập qua đào tạo từ xa với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Đến từ các đại học khu vực, GS Attn. Benjamin P.Sapitula – Hiệu trưởng Trường Đại học Don Marino Marcos Memorial State (Philipin) có tham luận về Hội nhập toàn cầu thông qua quốc tế hóa; Giám dốc Tổ chức Công nghệ GD châu Á Mr. Mike Michalec trình bày kinh nghiệm: Giáo dục trực tuyến, xu hướng và cơ hội trong những thị trường mới nổi.
Đại diện đến từ Trường Đại học Vinh có tham luận về Ứng dụng CNTT trong việc phát triển đào tạo đại học thu hút sinh viên quốc tế; TS. Phạm Minh Tuấn Chủ tịch HĐQT Tổ hợp công nghệ giáo dục TOPICA lại đưa ra một số kinh nghiệm thu hút học viên quốc tế thông qua ứng dụng CNTT.
Với 22 tham luận được gửi đến hội thảo mà trong đó nhiều diễn giả là những nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu đã cho thấy ý nghĩa, vai trò quan trọng của Dạy - học - chia sẻ: Hội nhập quốc tế.
Để tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng với GD-ĐT, đồng thời đưa nền GD Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015 – 2020”.
Đây là mô hình dạy – học – chia sẻ với mục tiêu đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân theo hướng mở, linh hoạt, đa đạng hóa, bảo đảm hội nhập với khu vực và thế giới, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Hiện nay, Bộ GD& ĐT đã cho phép triển khai chương trình đào tạo cử nhân trực tuyến tại một số trường đại học như: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng…
Trong mô hình này, các trường đại học đã đóng vai trò chủ trì về đào tạo, khảo thí và cấp bằng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là một mô hình đào tạo mang tính chất đột phá, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga