Dạy học bằng tiếng Anh: Cần tính phù hợp và hiệu quả

Dạy học bằng tiếng Anh: Cần tính phù hợp và hiệu quả

(GD&TĐ) - Hội thảo hẹp thảo luận về việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở trường chuyên đã được tổ chức tại Trường ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội ngày 26-3-2011. Đây là cuộc khởi động ban đầu cho quá trình triển khai quyết định thực hiện thí điểm nội dung trên đây vào năm học 2011-2012. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có một số Sở GD-ĐT và các trường chuyên đã có quá trình thí điểm  công việc này.

Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 959) của Chính phủ đã bắt đầu triển khai với Kế hoạch 659 của Bộ GD-ĐT. Trong Kế hoạch này có nội dung “Nghiên cứu, thí điểm áp dụng một số chương trình dạy học tiên tiến của thế giới tại một số trường THPT chuyên trọng điểm; thí điểm áp dụng việc giảng dạy môn toán, vật lý, hoá học, sinh học, tin học bằng tiếng Anh tại một số trường THPT chuyên”. Đề án này cùng với Đề án 1400 về Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã là một “cú hích kép” cho việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cả GV và HS Việt Nam.

Việc dạy học bằng tiếng nước ngoài không chỉ là việc đã được thực hiện phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, công việc này cũng không phải là một con số 0: Đã thực hiện chương trình giảng dạy song ngữ tiếng Pháp từ 1994. Chương trình tiếng Anh liên thông và tăng cường cũng đã được thực hiện thí điểm ở một số thành phố lớn; và đang triển khai thí điểm việc dạy tiếng Anh từ lớp 3 theo chương trình mới. Chương trình song ngữ dành cho HS dân tộc thiểu số (tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ) cũng đã được thực hiện thí điểm có hiệu quả ở một số tỉnh miền núi.

Giờ dạy Hoá bằng tiếng Anh
Giờ dạy Hoá bằng tiếng Anh

Về dạy một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, các trường THPT chuyên KHTN-ĐHQG Hà Nội, THPT chuyên ĐHSP Hà Nội, THPT chuyên Lê Hồng Phong TP HCM…đã đi đầu trong thí điểm dạy học môn Toán cũng như một số môn khoa học khác bằng tiếng Anh. Kết quả thí điểm cho thấy bước đầu đã có một số thành công. Tuy nhiên, cũng còn nhiều rào cản khi thực hiện công việc này. Đây là thách thức lớn đòi hỏi phải bàn bạc, xây dựng lộ trình, bước đi thích hợp. Đó cũng là mục đích của cuộc hội thảo “Dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh trong trường chuyên” do Vụ GD trung học, Chương trình phát triển GD trung học, Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 26-3-2011.

Ngoài nghe tham luận trên hội trường, các đại biểu dự hội thảo còn dự 4 tiết dạy bằng tiếng Anh với 4 môn: Toán, Lý, Hoá, Sinh ở Trường THPT chuyên ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội, sau đó sẽ có thảo luận để bước đầu tìm ra những giải pháp triển khai có hiệu quả Kế hoạch 659 thực hiện Đề án 959 cũng như Đề án 1400.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: Dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh sẽ thực hiện được một mục tiêu kép, đó là tăng cường năng lực sử dụng tiếng Anh của GV và HS, đồng thời phục vụ cho việc tiếp cận với chương trình và cách học tiên tiến, làm tiền đề để phát triển tiềm lực khoa học sau này của HS. Đặc biệt với HS chuyên thì đây là những mục tiêu rất quan trọng, và cũng là nhu cầu của phụ huynh cũng như chính bản thân các em. Tuy nhiên, cần chú ý: tiếng nước ngoài có nhiều tầng nghĩa, tuỳ theo đối tượng sử dụng mà khai thác các tầng nghĩa này ở mức độ nông sâu khác nhau. Chính vì vậy, việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh cần phải làm cho phù hợp (tuỳ đối tượng mà có mức độ sử dụng, khai thác khác nhau) và nhất thiết phải tính đến hiệu quả, không thể làm lấy được, làm cho có, làm để trình diễn…

Hội thảo lần này là một bước khởi động ban đầu tìm ra lộ trình, bước đi phù hợp để thực hiện việc triển khai dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại các trường chuyên, bên cạnh nhiều công việc bộn bề khác. Sẽ còn nhiều việc khác phải làm nữa, để làm rõ nội hàm của cụm từ “dạy bằng tiếng Anh”, cả về mức độ và phương thức tiến hành.

Nguyễn Thị Trâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.