Làm một ông bố, bà mẹ tâm lý với con cái quả thật không dễ, nhưng cũng khó nếu phụ huynh hiểu được con đang nghĩ gì, muốn gì, làm gì... Có như thế mới chế ngự tật xấu hoặc ủng hộ tính tốt của trẻ được. Đôi khi nhiều cha mẹ cho rằng chuyện con cái vứt rác ra ngoài đường, đối xử tệ bạc với loài vật, lãng phí đồ vật… là điều nhỏ nhặt, không đáng bận tâm nên không thèm tìm hiểu những cảm xúc, tâm lý của trẻ, bỏ mặc cho chúng thỏa mãn trong cách cư xử xấu đó. Chính vì thế nhân cách của đứa trẻ ngày một định hình theo chiều hướng xấu và đâm ra thành thói quen. Từ chuyện nhỏ nhặt ấy, nó đi quá giới hạn và trở nên to tát, đến lúc ấy rất khó phải sửa đổi và điều chỉnh.
Để con cái lớn lên là một người tốt, sống có văn hóa, đạo đức thì ngay từ lúc tấm bé, cha mẹ cần phải biết quan tâm đến con mình ngay từ những điều nhỏ nhặt. Qua đó, sàng lọc những điều tích cực thì ủng hộ, còn những chuyện có chiều hướng tiêu cực thì nên chỉnh sửa ngay để con biết đó là thói xấu mà sửa đổi. Giả dụ, nếu thấy trẻ lãng phí và không biết tôn trọng đồ chơi mà cha mẹ mua cho thì phận làm cha mẹ nên giải thích cho con hiểu đó là hành động xấu, vì tiền bạc rất khó kiếm và việc phá hủy đồ vật mà người khác mua cho mình là đang gián tiếp xúc phạm họ.