Dạy con trọn chữ "Hiếu"

GD&TĐ - Chữ "Hiếu" không thể rao giảng bằng lời, cách cha mẹ hiếu thuận với cha mẹ chính là bài học lớn nhất mà con trẻ có thể nhìn vào và học theo. Một chia sẻ chân thành và xúc động của thầy giáo trẻ Trần Trinh Tường.

Dạy con trọn chữ "Hiếu"

Thuở nhỏ, mẹ chẳng bao giờ nói mình lớn lên là phải nuôi mẹ, phải chăm ba, phải báo hiếu cho gia đình. Mà chỉ đơn giản là mẹ làm gương và hành động.

Năm mình cấp 1, cấp 2, khi đã bập bẹ đọc được chữ, mẹ mua sách truyện về đạo hiếu, sách truyện nhân quả cho mình đọc. Cuối tuần rảnh, mẹ chở mình ra nhà sách đi dạo, sau đó lại chở vô ăn cơm với ông với bà, mẹ nhắc mình đọc thơ, nhắc mình hát cho ông bà nghe, để ông bà vui.

Khi tập võ, biết võ, mẹ kêu mình múa bài Thập tự quyền cho ông bà xem. Ông bà vui lắm, cách mẹ đối xử với ông, với bà rất dịu dàng, tinh tế. Mỗi khi ông bà bệnh cảm mẹ đều chăm sóc rất ân cần.

Chính những cung bậc cảm xúc ấy, chính cái gương hiếu hạnh của mẹ, là bài học tỏ tường cho mình hiểu rõ thế nào là chữ hiếu của người con.

Ảnh minh họa.

Năm bà ngoại hơn 80 tuổi, lúc ấy mình cũng gần ra trường, công việc của mẹ lúc ấy tốt lắm, mẹ đang bên Úc làm việc. Tài chính ổn định, mọi thứ bền vững, bỗng nhiên vô thường ập đến, bà bệnh nặng, bà không đi được nữa, chỉ nằm trên giường như người thực vật, thì thào, ăn uống, tiểu tiện đều chỉ một chỗ.

Bà có 11 người con, các cô các chú các cậu người thì ở xa, người thì con nhỏ, người thì quá bận bịu công tác, khi ấy mình còn bé quá nên có cảm giác chưa ai trọn chữ hiếu với bà. Mẹ thấy thế, mẹ hiểu, mẹ thương, mẹ xót lắm, thế là mẹ bỏ mọi công ăn việc làm nghỉ việc 100% và về ở bên cạnh bà.

Trong 3 năm, có những đêm mẹ thức 3 - 4 lần vì bà trở giấc, bà đau đớn. Có khi bà thay đổi hẳn tính cách, hất tung chén cháo, quát tháo mẹ như con ở, và gọi nhầm tên mẹ.

Người già, vốn dĩ mất kiểm soát, tâm trí không còn minh mẫn. Mẹ hiểu, mẹ chấp nhận, cái giai đoạn 3 năm ấy, mình chứng kiến mọi thứ, có lúc mẹ mệt lắm, mắt thâm quầng, người yếu hẳn. Mẹ vẫn nói với mình, mẹ không mệt, mẹ vẫn vui lắm, vì mẹ thương bà thật nhiều.

Ảnh minh họa.

Mẹ luôn giữ giao tiếp gần gũi với bà. Khi mẹ thay tã cho bà, đưa bà đi đại tiện tiểu tiện, tắm cho bà mẹ hay kể chuyện lắm. Rồi có lúc mẹ bị trật xương khớp vì đỡ bà té...

Nhưng sau những câu chuyện ấy, mẹ đều quay về quá khứ, nhắc lại công ơn bà đã tảo tần, nuôi dạy 11 người con (cô cậu chú bác, và cả mẹ) cơ cực vất vả như thế nào, thời mới giải phóng, thời cơ hàn.

Mình nghe mà hiểu, mà thương… và thầm biết ơn vì mẹ đã dạy cho con rất rõ thế nào là hiếu hạnh, hiếu thảo của một người con. Dù rằng trước đó mẹ chưa hề lý thuyết rao giảng cho mình làm con phải báo hiếu.

Nhìn ra bên ngoài, đâu đó vô tình vẫn có những bậc phụ huynh chăm chút cho con, và kỳ vọng con phải có hiếu, có tài chính ổn định và không ngừng than thở "Sao nó vô tâm quá, sao nó không phụ việc nhà, sao nó không nghỉ cho tôi, sao nó không về thăm tôi…?"

Nhân cách, phẩm chất của một đứa trẻ vốn dĩ được gieo rất mạnh, rất rõ bởi hai người thầy đầu đời, đầu tiên, đó là cha là mẹ mình. Dẫu cho mình có dạy con chữ hiếu, có cho con học đạo lý, nhưng ta không sống với đúng những gì mà ta giảng dạy thì con thơ cũng thế mà vận hành theo.

Làm gương cho con, vốn dĩ luôn luôn là cách giáo dục hiệu quả và sâu đậm nhất.

Theo Giadinhmoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ