Trong quá trình làm việc với phụ huynh, tôi nhận thấy nhiều người bày tỏ lo ngại con họ ngày càng đòi hỏi mua đồ nhiều hơn, xịn hơn cho bằng bạn bằng bè..., thậm chí còn ra điều kiện với bố mẹ, dọa tự tử chỉ vì muốn có điện thoại đắt tiền.
Các cháu hoang phí và không biết ơn những gì mình có. Nhưng cũng có cha mẹ khuyến khích con tiêu xài nhiều hơn vì sĩ diện của bản thân, mua món đồ gì cho con cũng phải là hàng hiệu để xứng với đẳng cấp của bố mẹ.
Nhiều cha mẹ cho con nhiều tiền tiêu xài vì muốn bù đắp cho con khi mình vắng nhà, bận rộn không quan tâm đến con... Thế hệ trẻ đề cao vật chất vì đâu? Vì cha mẹ hay vì ảnh hưởng của môi trường xung quanh các cháu?
Đây là thực trạng đáng lo ngại cho tương lai của trẻ em nói riêng và xã hội nói chung. Gia đình và xã hội sẽ như thế nào khi lực lượng lao động trẻ, chủ nhân tương lai chỉ biết tiêu xài hoang phí, đánh giá bản thân và người khác qua giá trị vật chất mà quên đi giá trị lao động mới là gốc của tiền bạc; giá trị đạo đức mới là yếu tố quyết định ai được tôn trọng và yêu mến dài lâu.
Nếu không làm việc để tạo của cải vật chất cũng như tinh thần hữu ích cho xã hội thì tiền bạc chân chính sao có thể tới? Nếu không có văn hóa ứng xử thì sao có thể chinh phục người khác?
Cha mẹ trước hết cần ý thức được tính nghiêm trọng của thái độ sống đáng phê phán trên và tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Nếu con cái ảnh hưởng từ chính cha mẹ thì cha mẹ cần điều chỉnh càng sớm càng tốt.
Nếu con cái ảnh hưởng từ bạn bè, cha mẹ phân tích, tìm cơ hội gần gũi con hơn để uốn nắn. Cha mẹ nên tranh thủ cơ hội trao đổi với con thái độ sống tích cực, coi trọng tình cảm, biết sử dụng tiết kiệm đồ dùng, chi tiêu hợp lý... mỗi khi đưa con đi mua sắm, mua quà cho con các dịp lễ tết, khi nhìn/đọc thấy tin tức liên quan đến vấn đề này.
Cha mẹ khi mua sắm đồ dùng cho gia đình cần cân nhắc có thực sự cần hay có thể sửa lại những đồ cũ? Có cần mua đồ đắt tiền hay không? Cha mẹ biết tiết kiệm, biết lao động chân chính để có tiền và biết tiêu tiền hợp lý thì con cái cũng học được ít nhiều.