Có con đang học một trường mầm non quốc tế tại quận 7, TP HCM, anh Văn cho biết học phí của trẻ đã rất cao nên chuyện phong bì cho các thầy cô là điều xa lạ với các phụ huynh ở đây. T
uy nhiên, cha mẹ vẫn thường thể hiện tình cảm với các thầy cô bằng những món quà nhỏ và có ý nghĩa giáo dục cho bọn trẻ như trái cây, bánh kẹo… Những món quà này trở thành dụng cụ học tập của bọn trẻ và cuối cùng là nguyên liệu cho một bữa liên hoan tuyệt vời.
Không ít cha mẹ băn khoăn không biết có nên tặng quà thầy cô nhân dịp 20/11 không, tặng thế nào, tặng cái gì để thầy cô thấy thoải mái mà con cũng học được lòng biết ơn.
Chị Thanh dự định sẽ mua hoa để cậu con trai đang học lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận 3, TP HCM, mang đến trường. Chị muốn bé tự tay tặng để bé cảm nhận được sự biết ơn thầy cô hơn. Riêng cô chủ nhiệm, chị vẫn "giấu" con tặng phong bì vì đó món quà dễ nghĩ nhất, dễ sử dụng nhất và cũng là một cách chia sẻ với những khó khăn của thầy cô.
Phỏng vấn nhanh vài chục học sinh tại một số trường tiểu học và trung học cơ sở ở TP HCM, chuyên viên xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán các bà mẹ) nhận thấy không nhiều học sinh quan tâm tới ngày 20/11. Đa số các em đều bảo bố mẹ chuẩn bị quà cho mình, chỉ có một bé lớp ba cho biết sẽ tự làm thiệp tặng thầy cô.
Bà Thanh Thúy nhận định, hiện nay ở thành phố rất nhiều phụ huynh tặng thầy cô phong bì nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Tuy nhiên làm thế nào để việc tặng quà không phản cảm và có ý nghĩa giáo dục với con nhỏ thì không hẳn phụ huynh nào cũng lưu ý.
Năm ngoái, bà từng chứng kiến một người mẹ móc ví ra tờ 200.000 đồng để cậu con cứ thế mang tặng cho thầy giáo dạy võ của mình. Thầy đã từ chối nhận.
"Tiền là một thứ rất nhạy cảm, vì thế nếu có ý định tặng thì mẹ hãy chịu khó mua phong bao. Tốt hơn nữa là nên tặng kèm với một món quà tượng trưng", bà Thúy khuyên. Theo bà, cha mẹ chỉ nên cho trẻ biết về những món quà “tượng trưng”.
Cha mẹ nên cùng con đi mua sắm để nhấn mạnh tình cảm với thầy cô giáo cho con: "Cô đã giúp mẹ dạy dỗ, chăm sóc con, vì thế ngày lễ của nhà giáo mình tặng quà để cảm ơn cô". Về những chiếc phong bì, nếu con đã biết được, cha mẹ nên có lời giải thích, ví dụ: "Mẹ không biết hôm nào là sinh nhật của bé nhà cô, mẹ cũng chưa biết mua quà gì tặng bé nhà cô, vì thế mẹ gửi cô để cô mua hộ mẹ".
Là một trong những thành viên sáng lập của CLB Dạy con nên người, thạc sĩ xã hội học Trần Minh Trọng cho rằng, giáo dục lòng biết ơn cho con là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Trẻ cần được dạy phải biết ơn tất cả những ai đã giúp đỡ mình.
Tuy nhiên, trẻ mầm non và tiểu học còn khá nhỏ, nên chỉ có thể cảm nhận được lòng biết ơn thầy cô nếu như thầy cô đó thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp cho chúng. Còn phổ biến là trẻ chưa thấy được tình cảm của cô thầy dành cho mình nên chủ yếu làm theo thông điệp của cha mẹ.
Vì thế, ông Trọng thường cho các bé đóng vai thầy cô, để các bé thấy được sự vất vả của công việc dạy dỗ như thế nào, hay cho trẻ xem những bộ phim cảm động về tình thầy trò.
Theo ông, để trẻ ghi nhớ lòng biết ơn thầy cô, nhân ngày 20/11, cha mẹ có thể chuẩn bị cho con các món quà tặng. Đối với những học sinh tiểu học đã biết viết, ông Trọng gợi ý cha mẹ nên mua thiệp, để con tự viết những lời chúc mừng.
Nếu chữ của bé đã đẹp thì quá tuyệt, còn nếu chữ chưa được đẹp thì cha mẹ cũng không nên phàn nàn. Tất nhiên, cha mẹ có thể chỉnh sửa câu chữ nếu sai chính tả hay quá rườm rà. Khi được tự viết, trẻ sẽ cảm thấy tự hào hơn, trân trọng món quà cũng như ngày lễ hơn.
"Cha mẹ không nên quá đặt nặng vấn đề vật chất với món quà. Đặc biệt nên chú ý dạy trẻ biết ơn cả những thầy cô giáo từng dạy trẻ, chứ không chỉ là những thầy cô hiện tại", ông Trọng khuyên.
Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương (giảng viên Khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng đồng quan điểm cha mẹ nên khuyến khích con đến thăm lại các giáo viên cũ từng dạy con. "Đây chính là hoạt động thể hiện sự ghi nhớ công ơn, để con hiểu được việc đó ý nghĩa thế nào với cô giáo và với chính con", bà Hương cho biết.
Tiến sĩ Hương vẫn nhớ kỷ niệm ngày mình học lớp 3. Hồi đó, mẹ bà làm trưởng ban phụ huynh lớp. Được đến thăm cô cùng mẹ, mang theo bó hoa mà mẹ cho để trao tặng cô, bà vui sướng lắm và có cảm giác rất biết ơn cô đã dạy dỗ mình. Theo bà, nếu làm đúng ý nghĩa, thì ngày Nhà giáo Việt Nam sẽ giúp trẻ học được rất nhiều.
"Niềm vui của giáo viên nói chung (trong đó có tôi) là được học sinh tìm đến tặng một món quà nhỏ thật ý nghĩa. Ví dụ một bức tranh, một bông hoa tự hái hoặc tự mua. Nếu các con tìm đến nhà thì lại càng vui nữa.
Tiếng cười nói của lũ trẻ sẽ làm cho cô giáo hạnh phúc vô cùng", tiến sĩ Hương cho biết. Vì thế, nếu các con có ý định cùng nhau đến nhà cô giáo để tặng quà, các cha mẹ nên động viên và trợ giúp để con có thể tự mình làm được việc này.
Để giáo dục con qua ngày 20/11, tiến sĩ Hương gợi ý, trước khi trẻ đi, cha mẹ có thể hỏi con xem cô đã làm gì cho các con. Cha mẹ cũng có thể hỏi con xem ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày gì? Có ý nghĩa gì? Tại sao lại cần có một ngày như thế?
Cha mẹ cũng nhờ con điều tra xem cô thích màu gì, hoa gì, quà gì... để mua tặng cô. Quan tâm quan sát người khác để tìm niềm vui cũng là bài học đạo đức con cần học. Nếu con tìm hiểu được, con sẽ tiếp tục phát huy với những người khác trong gia đình hoặc bạn bè của con.
Cha mẹ cũng có thể nhờ con điều tra địa chỉ nhà cô, ngày sinh của cô, hoàn cảnh gia đình nhà cô. Tìm hiểu và chia sẻ vui buồn với người khác cũng là một bài học quan trọng mà con sẽ học được nhân dịp này.
Cha mẹ nên để con tự tìm đến tặng quà cô (có thể đưa con đến cổng nhà cô giáo) chứ đừng vội vàng làm giúp con cái công việc hạnh phúc đó. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con rủ một nhóm bạn đi cùng. Đây cũng chính là hoạt động nhóm mà con nên học và nên biết.
"Ngày Nhà giáo Việt Nam không có lỗi, chỉ có những người làm sai ý nghĩa của ngày này mới có lỗi. Có rất nhiều nhà trường đã tuyên bố từ chối nhận quà ngày này. Điều này theo tôi là không nên.
Tôi chỉ thật sự mong mỏi các cha mẹ, các thầy cô giáo hãy trả lại cho trẻ một Ngày Nhà giáo Việt Nam thật đúng nghĩa với đầy cảm xúc và niềm vui", tiến sĩ Thu Hương chia sẻ.