Dạy con biết giá trị đồng tiền

Dạy con biết giá trị đồng tiền

(GD&TĐ) - Xã hội ngày càng phát triển, các gia đình có ít con nên xu hướng chăm lo, trang bị cho trẻ đầy đủ về mặt vật chất đang trở nên phổ biến thay vì dạy trẻ biết cách kiểm soát, tiêu tiền. Điều đó không những khiến trẻ không hiểu ý nghĩa, giá trị của đồng tiền mà còn thiếu những kỹ năng cơ bản khi bước vào cuộc sống.

Khi nào trẻ cần làm quen với tiền?

Nhiều cha mẹ quan niệm, trẻ nhỏ đã có cha mẹ lo lắng vì vậy mọi việc chi tiêu liên quan đến đồng tiền trẻ không nên tiếp xúc, không cần tìm hiểu. Đến khi nào đủ lớn, (cuối cấp 2 đầu cấp 3) để nhận thức và biết cách chi tiêu khi ấy dạy trẻ tiêu tiền chưa muộn. 

“Tôi không cho con tiếp xúc đến tiền dù nhỏ hay lớn để đảm bảo an toàn cho cháu, tránh được tình trạng trẻ sử dụng tiền cho những mục đích không tốt như chơi game, mua đồ chơi, sách truyện… mà chưa được cha mẹ  kiểm duyệt”- Đó là suy nghĩ của chị Thu Quỳnh – Thanh Xuân (Hà Nội) mặc dù con chị đã học lớp 5. Song theo chị Quỳnh cũng có những điều khá bất tiện, ấy là khi chị“sai bảo” con đi mua giúp mớ rau, cọng hành, bé gần như “gà công nghiệp” bởi không biết định lượng bao nhiêu tiền, mua ra sao. 

Còn các nhà khoa học và tâm lý lại cho rằng trẻ từ độ tuổi 6 - 7 là thời điểm thích hợp để tập cách làm quen với cách chi tiêu khoa học. Dạy trẻ tiêu tiền là giúp trẻ tự kiểm soát và biết cách thỏa mãn đúng mực những ham muốn của bản thân, qua đó nâng cao khả năng sống tự lập. 

Dạy con biết giá trị đồng tiền ảnh 1

Trước khi cho trẻ chính thức tiêu tiền với một khoản vừa phải, cần dạy trẻ biết cách đếm, nhận biết mệnh giá, làm các phép tính cộng trừ đơn giản. Trẻ cũng cần được giảng giải khi nào phải chi tiêu và chi tiêu ra sao cho những nhu cầu cấp thiết. Dạy cách chi tiêu khoa học hợp lý từ nhỏ sẽ tránh cho trẻ hình thành thói quen tiêu tiền lãng phí và rơi vào tình trạng chi không kiểm soát, mất khả năng chi trả. 

Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Bích Hồng, cha mẹ cần chủ động bàn bạc với trẻ về định mức chi tiêu dựa theo độ tuổi, khả năng kinh tế gia đình, nhu cầu chi tiêu của trẻ. Cha mẹ cùng con cái có thể liệt kê nhu cầu chi tiêu rồi giúp trẻ lên kế hoạch. Dù gia đình giàu có cũng cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc không nên cho quá nhiều bởi sự dư thừa có sẵn khiến trẻ không biết chú trọng đồng tiền và quý trọng sức lao động làm ra đồng tiền. 

Kinh nghiệm từ chị Thanh Hà (Quận Đống Đa, Hà Nội) cũng chỉ ra, không nhất thiết cấm đoán việc trẻ nhận tiền từ người thân hoặc lúc bé xin tiền để mua một món đồ hợp lý. Điều quan trọng đó là “vợ chồng tôi thống nhất với con những quy tắc cơ bản trong sử dụng tiền từ đó các con tự ý thức được cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý về sau”. Còn với chị Vân ( Giảng Võ, Hà Nội) thì: “Tôi dạy con biết tiết kiệm trong chi tiêu thông qua những hành động cụ thể như tắt điện khi ra khỏi phòng, sử dụng nước phù hợp tránh lãng phí. Tôi cũng khuyến khích hai con rằng, nếu biết tiết kiệm điện nước thì gia đình sẽ phải trả ít tiền, số tiền dành dụm được sẽ mua những món đồ chơi con thích. Chính vì vậy các con tôi rất hào hứng và hành động tích cực”. 

Biết tiêu tiền hợp lý

Trẻ thường đòi hỏi, vòi vĩnh cha mẹ mua sắm những bộ váy áo, đồ chơi đắt tiền mà không quan tâm xem cha mẹ có đủ điều kiện đáp ứng không, món đồ chơi đó bao nhiêu tiền. Và có trường hợp, ngay cả với những món đồ chơi đắt tiền khi đã được đáp ứng, trẻ chơi không quá một ngày đã chán rồi xếp đống. Vì vậy cha mẹ cần kiên nhẫn để giúp trẻ hiểu biết việc chi tiêu hợp lý bằng nhiều cách. Có thể mở ví để trẻ nhìn biết: “Khoản này mua thức ăn, khoản này đóng học phí... Vì vậy không đủ để mua đồ chơi đắt tiền nhưng nếu thay thế bằng đồ chơi ít tiền hơn thì có thể đáp ứng”.  Khi được tận mắt nhìn và biết được khả năng tiền bạc thực sự của cha mẹ trẻ có thể cảm thông và điều tiết nhu cầu mua sắm của bản thân. 

Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ biết chi tiêu hợp lý bằng cách tìm hiểu nhu cầu mua sắm của trẻ. Yêu cầu trẻ nói rõ sẽ dùng số tiền đó để mua gì, thứ đó cần thiết thế nào với trẻ?... Nếu thực sự hợp lý mới đồng ý, nếu không phải giải thích. Ví như, khi trẻ đòi mua siêu nhân, cha mẹ cần hỏi xem tại sao trẻ cần có nó trong khi đã có nhiều siêu nhân khác ở nhà, thứ đồ chơi đó hấp dẫn ở chỗ nào, và có thể đáp ứng yêu cầu đó khi nào trẻ xứng đáng (ví như tự giác học tập, dậy sáng đến lớp đúng giờ…).

Đối với lứa tuổi teen, hãy giúp các em có trách nhiệm với bản thân và chi tiêu hợp lý bằng cách tự mua sắm sách vở, quần áo, một vài đồ dùng học tập… bằng chính khoản tiền mình tiết kiệm được. Như vậy các em sẽ cảm thấy quý trọng giá trị đồng tiền và biết cách chi tiêu hợp lý khoa học. 

Tự kiếm tiền để biết tiêu tiền

Nhiều cha mẹ không muốn con tiếp xúc với tiền sớm vì cho rằng sẽ ảnh hưởng tới suy nghĩ, lối sống nhân cách sau này. Song không ít cha mẹ lại chỉ ra việc trẻ tự kiếm tiền sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn hại. 

Nhiều bậc phụ huynh đã chia sẻ cho phép con tự làm công việc nhà nhẹ nhàng ngay từ khi còn bé để biết chi tiêu tiêu tiết kiệm. Chị K.Hương - Tây Sơn “trả” cho cậu con trai 13 tuổi của mình mỗi tháng 300 ngàn đồng để cậu bé lau, dọn phòng cho cả gia đình, gấp quần áo, vứt rác... Và số tiền này chị cũng quy định bé chỉ được chi trả cho việc mua sắm sách vở, xem phim ngoài rạp, hoặc trả tiền điện thoại cá nhân. Mặc dù số tiền được nhận không nhiều song cậu bé tỏ ra tự hào vì được mẹ tin tưởng giao những công việc trong gia đình và có cơ hội tự mình kiếm tiền và tiêu tiền. 

Rõ ràng một công việc làm thêm nhẹ nhàng vào lúc rảnh rỗi ngoài giờ học không chỉ giúp trẻ có thể tự kiếm tiền mà còn giúp trẻ hiểu được giá trị của lao động từ đó biết cách chi tiêu tiết kiệm hợp lý. 

Thực tế cũng cho thấy, mỗi phụ huynh phải là tấm gương cho con trong việc quản lý tiền bạc, cách chi tiêu tiết kiệm trong gia đình, cách trân trọng và sử dụng đồng tiền hợp lý… Hãy cho trẻ thấy được cha mẹ đã vất vả ra sao để kiếm được đồng tiền, hãy nói về những chọn lựa, sai lầm của mình và cả những thành công trong công cuộc mưu sinh để kiếm được đồng tiền. Những kỹ năng được chính cha mẹ dạy bảo sẽ là cách tốt nhất, con đường ngắn nhất để giúp trẻ suy nghĩ và tự biết mình phải kiếm tiền và tiêu xài ra sao.

“Nếu thấy cần, bố mẹ có thể bắt đầu dạy con về những khoản chi tiêu cần thiết trong gia đình khi thấy con có hứng thú. Bắt đầu càng sớm những câu chuyện về khái niệm “tiền” càng khiến nó trở nên gần gũi với trẻ”. 

Suzanne Landers Zavatsky - Giám đốc Học viện nghiên cứu Ý nghĩa của tiền bạc tại Boston

Khuyến khích phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen “tiết kiệm có mục tiêu” mỗi khi trẻ muốn hỏi xin một thứ gì đó. Tiết kiệm có mục tiêu vì những lý do đặc biệt chính là động lực mạnh mẽ giúp trẻ ý thức trách nhiệm về sử dụng tiền bạc.

Paul Richard - Giám đốc Điều hành Học viện Giáo dục tài chính tiêu dùng (Mỹ)

Thanh Ngọc

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.