Dạy bài “Phát biểu theo chủ đề” bằng một số phương pháp mới

GD&TĐ - Theo định hướng của Bộ GD&ĐT, khi soạn giáo án, giáo viên nên thực hiện theo 5 hoạt động (Khởi động; Hình thành kiến thức; Thực hành; Vận dụng; Tìm tòi - Mở rộng). Trong đó, hoạt động 4 và 5 có thể linh hoạt gộp chung lại với nhau. Vận dụng điều này vào dạy bài “Phát biểu theo chủ đề”, giáo viên có thể mang lại những tiết học sinh động, hiệu quả theo phương pháp mới..

Học bài “Phát biểu theo chủ đề” theo phương pháp mới HS có điều kiện phát huy các kỹ năng cá nhân như thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm… Ảnh minh họa
Học bài “Phát biểu theo chủ đề” theo phương pháp mới HS có điều kiện phát huy các kỹ năng cá nhân như thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm… Ảnh minh họa

Hoạt động 1 (khởi động)

Mục đích hoạt động 1 là nhằm tạo không khí vui tươi, hứng khởi, thoải mái để học sinh có tâm thế trước khi đi vào bài học. Việc làm này nhằm tránh gây không khí căng thẳng cho các em thay vì sử dụng phương pháp truyền thống là kiểm tra bài cũ. Việc khởi động nên hiểu cả về khởi động cơ thể và khởi động trí tuệ.

Vận dụng điều đó vào bài “Phát biểu theo chủ đề”, thầy cô có thể cho học sinh làm nóng không khí bằng cách quản trò cho các em tham gia các trò chơi như “Nhanh tay lẹ mắt”, “Miệng nói tay không làm” hoặc cho các em vận động tại chỗ bằng những động tác thể dục đơn giản.

Thầy cô cũng có thể cho một em học sinh có năng khiếu quản trò trong lớp hướng dẫn các bạn thực hiện hoạt động này. Tiếp theo, người dạy có thể cho HS xem một clip khoảng 4 - 5 phút, trong đó có phần phát biểu theo chủ đề của một nhân vật nổi tiếng (ví dụ như bài phát biểu của nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ngày 26/9/2019 về chủ đề biến đổi khí hậu).

Sau đó, giáo viên đặt câu hỏi để dẫn dắt học sinh vào bài. Những câu hỏi cần đặt ra như: Phần phát biểu trên nói về chủ đề gì? Em nhận xét như thế nào về phần phát biểu này? Từ đó, thầy cô cần nhấn mạnh về sức mạnh của lời nói, tầm quan trọng của kĩ năng phát biểu theo chủ đề.

Hoạt động 2 (hình thành kiến thức)

Thay vì dạy những kiến thức đã có sẵn theo đề mục trong sách giáo khoa, thầy cô có thể đổi mới bằng hình thức Gameshow. Chẳng hạn như ở bài “Phát biểu theo chủ đề”, chúng ta có thể cho học trò tham gia chương trình “Én vàng học đường”. HS (chỉ từ một đến hai em) sẽ chuẩn bị trước đề cương cho bài phát biểu của mình lên bục giảng diễn thuyết trước cả lớp về chủ đề mà các em quan tâm. Sau đây là một số chủ đề mà giáo viên có thể gợi ý cho HS:

- Em thích cải lương hay nhạc trẻ?

- Ngoại hình có quan trọng?

- Liệu không có tiền có được hạnh phúc?

- Người Việt Nam hiền hay dữ?...

Sau khi HS (đóng vai trò là thí sinh dự thi) lên diễn thuyết (trong khoảng 5 - 10 phút mỗi em), các HS còn lại có thể phát biểu để phản biện lại. Trong phần thuyết trình của học trò, người thầy nên hướng dẫn các em chuẩn bị đề cương, chuẩn bị bảng phụ hoặc phương tiện hỗ trợ khác… Lưu ý, giáo viên nên để học sinh thoải mái trình bày quan điểm của mình nhưng trong một chừng mực hợp lý, tránh những quan điểm cực đoan trái pháp luật hoặc những tranh cãi căng thẳng. Thầy cô cần phải khéo léo để làm chủ phần này.

Sau đó, để hệ thống hóa kiến thức và hình thành kiến thức cho HS (thực ra các kiến thức như dạng bài này đã có sẵn trong sách giáo khoa), giáo viên có thể cho một nhóm học sinh (khoảng 4 em, đại diện cho 4 nhóm) lên bảng để hoàn thành cây thông tin. Thầy cô có thể vẽ trước (hoặc phân công cho học sinh vẽ) hình cây thông tin và cắt sẵn các mảnh ghép (lá, hoa, quả) và cho các HS thảo luận điền chữ và gắn các mảnh ghép đó lên cây theo một trình tự hợp lý. Sau đó, các học sinh khác nhận xét và rút ra được kiến thức của bài học.

Hoạt động 3 (thực hành)

Đây là dạng bài thiên về thực hành phát biểu nên thầy cô hãy dành nhiều thời gian cho học sinh phát biểu quan điểm của mình theo các chủ đề gợi ý trong sách giáo khoa hoặc các chủ đề khác mà thầy cô lựa chọn hoặc các em tự chọn.

Hoạt động 4 - 5 (vận dụng và mở rộng)

Người dạy cần nhấn mạnh, đây là một bài học rất hay và thiết thực nhằm giúp các em tự tin hơn khi phát biểu để từ đó phát biểu hay hơn, hiệu quả hơn. Kĩ năng này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các em trong học tập và trong cuộc sống sau này. Do vậy, hãy luôn vận dụng kĩ năng đó khi có điều kiện thích hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ