Bí quyết thu thập nhiều kiến thức từ một tiết học
Tuy nhiên, theo chia sẻ của cô Trần Thị Thúy Liên, trưởng khoa Tự nhiên (Trường THPT Olympia), điều này sẽ dễ dàng thực hiện với phương pháp học tập liên môn. Đó là việc xây dựng một dự án học tập, vấn đề chung, câu hỏi lớn; trong đó, học sinh sử dụng kiến thức của nhiều môn học để giải quyết vấn đề. Một tiết học hay một chuyến đi thực tế có thể giúp học sinh thu thập kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Để chuẩn bị cho một dự án liên môn, theo cô Trần Thúy Liên, các thầy cô phải lựa chọn chủ đề và lên kế hoạch cụ thể. Chủ đề cần dựa trên 3 tiêu chí: Gắn với thực tế cuộc sống, kết hợp kiến thức các môn học và dựa trên chương trình học.
Dự án có thể thực hiện giữa các khối lớp khác nhau và các môn học khác nhau, trong đó có các môn đóng vai trò chính và các môn đóng vai trò liên kết. Giáo viên làm chủ dự án cần xây dựng kế hoạch và liên hệ với giáo viên các môn học trong dự án.
“Việc học liên môn thực chất là đưa ra cho học sinh một câu hỏi lớn cần trả lời. Từ việc giải quyết các câu hỏi nhỏ hơn, học sinh sẽ trả lời được câu hỏi lớn đó. Vậy nên lựa chọn chủ đề dự án là bước quan trọng nhất. Điều khó khăn là giáo viên thay vì làm việc độc lập sẽ phối hợp với nhiều giáo viên của các bộ môn khác. Thật may mắn là tại Olympia, các thầy cô luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp và cùng nhau xây dựng nên những tiết học thú vị cho học trò” - Cô Trần Thị Thúy Liên chia sẻ.
Còn theo thầy Nguyễn Đức Trường, giáo viên môn Hóa học, chủ nhiệm dự án “Năng lượng và sự phát triển bền vững”, để thực hiện được một dự án liên môn, giáo viên phải chuẩn bị lên kế hoạch ngay từ đầu nămhọc để xây dựng một chương trình học tốt nhất.
Khi tham gia dự án “Năng lượng và sự phát triển bền vững”, học sinh sẽ không phải học lại một số nội dung trong chương trình Vật lý, Hóa học lớp 12. Ngoài ra, dự án không những cung cấp các kiến thức về năng lượng thông qua thí nghiệm, quan sát hệ thống sản xuất mà còn giúp các con có những nhận định rõ ràng hơn về vấn đề chủ quyền vùng biển đảo của Việt Nam.
Bài học từ thực tế luôn hấp dẫn
Trong học kỳ 2 năm học 2015 - 2016, các học sinh khối 11 của Trường THPT Olympia đã tham gia dự án liên môn Địa Lý - Lịch sử - Hóa học - Công nghệ và HELP với tên gọi “Năng lượng và sự phát triển bền vững” và có học tập trải nghiệm tại Bảo tàng dầu khí Việt Nam và Viện dầu khí.
Tới thăm bảo tàng Dầu khí, quan sát những sa bàn trưng bày tại đây đã giúp các học sinh hiểu về tổng quan hoạt động ngành dầu khí Việt Nam, sự phân bố của các mỏ tài nguyên trên khắp lãnh thổ mà còn hình dung được rõ ràng hơn về vị trí các đảo, quần đảo qua đó ý thức rõ ràng hơn về chủ quyền quốc gia.
Khi tìm hiểu về một số công trình trọng điểm ngành dầu khí ở Việt Nam như Nhà máy điện đạm khí Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất,… học sinh tiếp tục có thêm những kiến thức về địa lý các vùng kinh tế tại Việt Nam.
“Quan sát các sa bàn giúp em dễ hình dung về chủ quyền biển đảo quốc gia hơn là quan sát trên bản đồ hay qua atlat. Lịch sử vốn dĩ là bộ môn chẳng dễ dàng ghi nhớ với học sinh, giờ trở nên đơn giản hơn qua câu chuyện chân thật về những người kỹ sư yêu nghề đã vượt qua hoàn cảnh, thiếu thốn, cống hiến trí tuệ và sức lao động để góp phần dựng xây đất nước” – Cẩm Ly, học sinh lớp 11 Trường THPT Olympia hào hứng kể lại.
Còn với Châu Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Olympia, học tập liên môn, nhất là những chuyến đi học tập thực tế như thế này giúp em có thể kết nối được kiến thức các môn học với nhau và với thực tế. Đặc biệt là tiết học cũng trở nên thú vị hơn rất nhiều do được tìm hiểu kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau khi giải quyết một vấn đề.
“Tại Viện dầu khí Việt Nam, em và các bạn được thăm quan những thiết bị nghiên cứu và trực tiếp phỏng vấn các chuyên gia, các nhà khoa học; được cùng khám phá những kiến thức Hóa học bằng việc xác định nồng độ ion kim loại nặng trong dầu, tốc độ ăn mòn của kim loại, tìm hiểu hệ thống sản xuất nhiên liệu điezen từ khí tổng hợp. Những phản ứng hóa học vốn khô khan trên giấy bỗng trở lên sống động và hấp dẫn hơn khi diễn ra ngay trước mắt” – Châu Anh cho biết
Có thể nói, với phương pháp liên môn, học sinh luôn được đặt vào tâm thế chủ động khi tìm kiếm thông tin và tự tạo nên phông nền kiến thức cho mình. Mặc dù phải dành nhiều thời gian, công sức hơn nhưng phương pháp này mang lại cho học trò những tiết học hấp dẫn gắn liền với đời sống thực tế.