Đầu tư ngân sách thích đáng cho bồi dưỡng giáo viên

Đầu tư ngân sách thích đáng cho bồi dưỡng giáo viên

Nhà nước có chính sách tăng cường đầu tư về ngân sách cho giáo dục đào tạo, nhất là ngân sách cho bồi dưỡng giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết số 29 và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục của nước ta ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. Đây là tỉ lệ khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ kí quyết định ban hành đề án bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn đầu tư, vốn ngân sách thường xuyên để thực hiện Đề án theo Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, để hiện thực hóa Đề án trên, ngày 6/2/2017, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định số 5857-VN tài trợ cho "Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông" (gọi tắt là Chương trình ETEP).

Ngày 12/11/2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo viên giáo dục thường xuyên. Theo đó, Điều 15 và Điều 16 quy định: Sở GD&ĐT tham mưu UBND cấp tỉnh, phòng GD&ĐT tham mưu UBND cấp huyện về nguồn kinh phí bồi dưỡng thường xuyên và các điều kiện liên quan phục vụ công tác bồi dưỡng thường xuyên theo quy định. Kinh phí bồi dưỡng thường xuyên được dự toán trong kinh phí chi thường xuyên hằng năm từ kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án hoặc nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chính sách đầu tư thích đáng về ngân sách Nhà nước hàng năm đối với lĩnh vực GD&ĐT, trong đó có ngân sách để bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ