Đầu thu, đề phòng ong đốt

GD&TĐ - Cuối hè, đầu thu là mùa sinh sản của ong nên số người nhập viện do ong đốt cũng gia tăng. Đây là lý do khiến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân bị ong đốt.

Nhiều bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện
Nhiều bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, thời kỳ cao điểm, trung tâm điều trị cùng lúc cho 4 bệnh nhân, phần lớn là trường hợp nặng. Với những bệnh nhân này, thời gian nằm viện có thể kéo dài từ 1 - 2 tháng.

Điển hình nhất là bệnh nhân nam 47 tuổi (Kim Bảng, Hà Nam), bị đàn ong vò vẽ tấn công trong lúc đi phát nương. Càng chạy chúng càng đuổi theo. Kết quả, anh phải nhập viện với 50 vết đốt, trong đó có 30 nốt ở vùng đầu, còn lại ở lưng, tay và vai. Sau 1 ngày điều trị ở bệnh viện tỉnh, anh được chuyển lên tuyến trên. Tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị suy thận cấp, vô niệu hoàn toàn, vỡ hồng cầu và rối loạn đông máu do ong đốt. Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị, truyền dịch, lọc máu, dùng thuốc lợi tiểu. Sau gần 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân bắt đầu có tiến triển nhưng vẫn phải nằm viện để theo dõi tình trạng suy thận cấp.

Một trường hợp khác đang điều trị tại Trung tâm Chống độc do ong vò vẽ đốt là bệnh nhân nam 23 tuổi, người Thái Nguyên. Bệnh nhân bị ong đốt trong khi đi lấy củi, để lại gần 70 vết trên cơ thể.

Theo các bác sĩ, ong đốt, đặc biệt là ong vò vẽ đốt rất nguy hiểm bởi nọc ong có thể tấn công vào các bộ phận cơ thể, nhất ở ở vùng đầu, mặt dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm độc có thể dẫn tới tử vong. Do vậy, nếu không may bị ong đốt cần nhanh chóng ra khỏi khu vực đó, lấy vòi chích của ong, tránh nặn, ép mạnh ví có thể làm nọc độc lan ra. Sau đó rửa sạch vùng da bị ong đốt bằng xà phòng, nước ấm. Bôi dung dịch sát trùng. Uống nhiều nước để thải độc. Trường hợp có trên 10 vết đốt, cảm giác khó chịu… nên đến ngay cơ sở y tế để theo dõi và điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ