Đâu là lời giải cho bài toán "sản xuất sạch"

Đâu là lời giải cho bài toán "sản xuất sạch"
Ô nhiễm nguồn nước (ảnh minh họa)
Nước thải tại 1 KCN (ảnh Internet)

Sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã bị cả xã hội lên án và xử lý nghiêm, đặc biệt là trong thời gian gần đây với vụ gây ô nhiễm của Công ty Vedan. Những tưởng sự chỉ trích và xử phạt đó sẽ được các công ty nhìn nhận, sửa đổi kịp thời những hạn chế trong ứng xử với môi trường. Nhưng, thực trạng vị phạm pháp luật về môi trường hiện nay khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Qua kiểm tra của Tổng cục Môi trường và Sở TNMT Hà Nội mới đây cho thấy, vấn đề bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp (KCN) chưa được quan tâm đúng mức. Việc xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn chưa được hoàn thiện đồng bộ, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật còn nhiều.

Qua kiểm tra 8 KCN đang hoạt động thì hầu hết đều vi phạm về môi trường, đặc biệt là về xử lý nước thải công nghiệp. Nghiêm trọng hơn còn một số KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung…

Khi những thông tin này được công bố, khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên. Bởi lẽ, bất kể một doanh nghiệp nào khi lập dự án phát triển sản xuất đều phải đưa ra những giải pháp xử lý chất thải. Vậy mà việc xây dựng hẳn một KCN rồi đưa nó vào vận hành mà các tiêu chuẩn tối cần thiết về bảo đảm môi trường lại chưa được thực hiện. Đây phải chăng do năng lực đầu tư yếu - thiếu!? hay "bài toán" về lợi nhuận!? Hay do muốn thúc đẩy các KCN sớm đi vào hoạt động mà đã “mắt nhắm, mắt mở” không thấy được những thiếu sót này? Trong khi đang loay hoay tìm nguyên nhân thì ô nhiễm môi trường đã nhãn tiền.

Trong đợt làm việc với Sở Tài nguyên và Mội trường vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã đưa ra quyết tâm xử lý ô nhiễm tại các KCN. Đây là việc cần làm và phải sớm thực hiện một cách hữu hiệu. Qua  sự việc này, khiến không ít người quan tâm đặt ra câu hỏi: ngay tại Thủ đô, là nơi “gần đèn” mà vẫn tồn tại "điểm đen" vậy những vùng xa thì tình trạng này sẽ ra sao?

Thực tế này đòi hỏi các cấp các ngành chức năng cần thực sự trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Chỉ khi kiểm soát chặt, xử lý nghiêm những vi phạm mới có khả năng ngăn chặn hữu hiệu hành vi gây ô nhiễm môi trường; đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp luôn coi trọng lợi nhuận nên khi xử lý vi phạm, những biện pháp mạnh như cho dừng hoạt động sản xuất để chờ xử lý xong việc gây ô nhiễm môi trường cũng cần được xem xét. Thời gian chúng ta tuyên truyền, vận động đã quá dài, không thể tiếp tục nương nhẹ những hành vi vi phạm môi trường được nữa. Dẫu biết khi sử dụng những biện pháp mạnh sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và theo đó là công ăn việc làm của nhiều người thậm chí nhiều hơn nữa, nhưng tất cả những cái đó bằng cố gắng, chúng ta có thể giải quyết được.

Nhưng việc huỷ hoại môi trường, huỷ hoại chính điều kiện sống của chúng ta là hành vi không thể chấp nhận và hậu quả rất khó khắc phục, thậm chí không thể khôi phục. Những cảnh báo về môi trường, biết đổi khí hậu đã trở nên hiện hữu trong những năm gần đây.

Những năm trước đây, khi kinh tế còn khó khăn, khoa học còn lạc hậu việc chấp nhận phát triển công nghiệp trong điều kiện chưa thực sự bảo đảm về môi trường là một thực tế khó tránh khỏi. Nhưng đến giai đoạn hiện nay, khi đất nước ngày một tiến lên, khoa học kỹ thuật phát triển, việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong tầm tay của chúng ta thì tại sao lại để việc gây ô nhiễm môi trường sống tồn tại.

Việc phát triển sản xuất, công nghiệp đều không ngoài phục vụ phát triển, nâng cao điều kiện sống của con người, vì vậy chúng ta cần nhanh chóng xóa bỏ nghịch lý khi kinh tế tăng, môi trường sống lại giảm.

Vũ Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.