Đâu là bí quyết lọt top trong các bảng xếp hạng Đại học uy tín?

GD&TĐ - ĐHQG Hà Nội hiện có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á với vị trí đứng thứ 124 châu Á, nằm trong top 24,7% những trường ĐH hàng đầu khu vực. 

Sinh viên nước ngoài học tại ĐHQG Hà Nội. Ảnh:?Hữu Cường
Sinh viên nước ngoài học tại ĐHQG Hà Nội. Ảnh:?Hữu Cường

Mới đây, ĐHQG Hà Nội tiếp tục là 1 trong 2 ĐH Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng thường niên nổi tiếng QS World University Rankings. Câu hỏi nhiều trường ĐH Việt Nam đang đặt ra: Bí quyết để lọt vào top trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín là gì?

Hiểu rõ về bảng xếp hạng ĐH

TS Nghiêm Xuân Huy – Giám đốc Viện Đảm bảo chất lượng GD (ĐHQG Hà Nội) phân tích: Bảng xếp hạng là một tập hợp các tiêu chí khác nhau. Như vậy, tham gia mỗi bảng xếp hạng giống như trường ĐH tham gia vào một cuộc thi với những chỉ tiêu, chỉ số riêng. Tham gia một bảng xếp hạng là một góc nhìn về chất lượng, không phải là một bức tranh toàn cảnh về chất lượng của trường ĐH.

Nếu một trường ĐH chỉ lấy xếp hạng làm mục tiêu thì việc phát triển sẽ không bền vững. “Quan điểm của ĐHQG Hà Nội trước hết phải phát triển theo chất lượng. Chúng tôi cho rằng, việc thực hành tốt, làm tốt từng việc, từng khâu trong đào tạo, nghiên cứu gắn với những chỉ số có liên quan đến xếp hạng, vừa lồng ghép những chỉ số phát triển có tính chất bền vững nhưng cũng đặt vào trong đó những chỉ số gắn với những tiêu chí trong bảng xếp hạng” – TS Nghiêm Xuân Huy cho biết.

ĐHQG Hà Nội đã nghiên cứu rất sâu về các bảng xếp hạng, tìm điểm tương đồng giữa các chỉ số phát triển bền vững của trường ĐH với chỉ số đánh giá trong bảng xếp hạng. Trên cơ sở đó, chú trọng chỉ số nào để vừa đảm bảo chất lượng của trường ĐH, vừa phát triển một cách hài hòa, nhưng vừa có những ưu thế trong xếp hạng. Điều rút ra là một trường ĐH đẳng cấp thế giới liên quan đến tài năng, con người, liên quan tới việc quản trị và nguồn lực để thực hiện nó.

Trong chiến lược phát triển, ĐHQG Hà Nội chú trọng 3 yếu tố: Phát triển nhân tài; Tối ưu hóa bộ máy quản trị để phát triển bền vững; Đa dạng hóa các nguồn lực để phát triển, trong đó nguồn lực để hợp tác phát triển như hợp tác quốc tế là một trong những nguồn lực rất được quan tâm.

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN/ Ảnh Internet
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN/ Ảnh Internet

Các nhân tố quyết định chất lượng

Với một trường ĐH những yếu tố về đội ngũ giảng viên, đội ngũ học giả, quản trị, đội ngũ lãnh đạo, quản lý, việc lập kế hoạch, đánh giá... quyết định về chất lượng của nhà trường. ĐHQG Hà Nội nhận thấy để đánh giá chất lượng ĐH hiện nay có rất nhiều tham số thông qua các nghiên cứu, kiểm định, phân tích đối sánh, thông qua việc tự đánh giá mình và thông qua xếp hạng. TS Nghiêm Xuân Huy chia sẻ: Chúng tôi nhìn nhận xếp hạng là một trong những chỉ số đánh giá chất lượng trường ĐH. Từ chỉ số chất lượng này, chúng tôi phân tích giảng viên, SV, SV tốt nghiệp, cựu sinh viên cần những yếu tố gì để vừa phát triển đảm bảo chất lượng, vừa giúp cho việc đẩy mạnh các chỉ số trong các bảng xếp hạng.

 

Quan điểm của ĐHQG Hà Nội trước hết phải phát triển theo chất lượng. Cần thực hành tốt, làm tốt từng việc, từng khâu trong đào tạo, nghiên cứu gắn với những chỉ số có liên quan đến xếp hạng, vừa lồng ghép những chỉ số phát triển có tính chất bền vững nhưng cũng đặt vào trong đó những chỉ số gắn với những tiêu chí trong bảng xếp hạng.

 
TS Nghiêm Xuân Huy

Có thể thấy các vấn đề liên quan đến đầu ra, thành tựu, uy tín, tỷ lệ giảng viên làm tiến sĩ, năng lực nghiên cứu của trường ĐH, tỷ lệ SV/giảng viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế… là chỉ số các bảng xếp hạng rất quan tâm, đặc biệt là QS. Đây là một trọng số rất quan trọng cho thấy chất lượng của trường ĐH về góc độ trình độ và chất lượng của đội ngũ khoa học. Được biết, bảng xếp hạng QS châu Á mới nhất đã đưa vào thêm chỉ số Mạng lưới hợp tác quốc tế, trọng số này chiếm 10% chỉ số xếp hạng. Theo đó, để thúc đẩy xếp hạng phải rất quan tâm tới mạng lưới hợp tác quốc tế của trường ĐH.

Ngoài ra, uy tín của trường ĐH được thể hiện qua uy tín về học thuật, tuyển dụng cũng như những đóng góp cho cộng đồng, được thể hiện thông qua những kết quả nghiên cứu, thông qua hợp tác và các đối tác của trường ĐH, để thấy phát triển bền vững và xếp hạng có liên quan tới nhau. Nếu làm tốt hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, uy tín học thuật của trường ĐH sẽ được lan tỏa, tăng các nguồn tài trợ cho nghiên cứu, công bố quốc tế nhiều hơn. Và quan trọng, học giả sẽ đánh giá nhà trường cao hơn.

Hai văn bản quan trọng

TS Nghiêm Xuân Huy cho biết, dựa trên các yêu cầu về chỉ số xếp hạng cũng như các giải pháp đẩy mạnh cải tiến chất lượng, ĐHQG Hà Nội đã xây dựng 2 văn bản rất quan trọng. Văn bản đầu tiên là bộ chỉ số về ĐH nghiên cứu được xây dựng dựa trên các tham chiếu với nhiều trường ĐH hàng đầu khu vực châu Á cũng như các tiêu chí có trong bảng xếp hạng. Trên cơ sở đó định hướng phát triển các trường ĐH, đồng thời đặt ra chỉ tiêu đầu tư nguồn lực để có thể đạt được, vừa đảm bảo hệ thống phát triển bền vững, vừa đảm bảo đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng.

Văn bản thứ hai là chiến lược phát triển ĐHQG Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2030. ĐHQG Hà Nội đưa vào văn bản các chỉ tiêu. Trong nhiều chỉ tiêu phát triển, có chỉ tiêu gắn với xếp hạng như chỉ tiêu về tỷ lệ tiến sĩ, chỉ tiêu về số bài báo công bố, chỉ tiêu về trích dẫn quốc tế, các hợp tác quốc tế… Đây là những chỉ tiêu vừa để phát triển, cũng là chỉ tiêu xếp hạng. “Đây là điều tôi muốn nhấn mạnh với các trường ĐH Việt Nam, làm sao vừa đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững nhưng cũng nhanh chóng có thể tiếp cận được với các bảng xếp hạng quốc tế” – TS Nghiêm Xuân Huy bày tỏ.

Được biết, để xây dựng bảng này, ĐHQG Hà Nội đã nghiên cứu nhiều hệ thống xếp hạng, dựa trên bối cảnh cụ thể của các trường ĐH Việt Nam xây dựng các tiêu chí để đánh giá cũng như đặt ra mục tiêu phát triển cho các trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ