(GD&TĐ) - Vụ việc tranh cãi ồn ã xung quanh giải thưởng trị giá tỉ đồng của chương trình “Bài hát yêu thích” đang là tâm điểm của làng giải trí Việt. Lời qua tiếng lại suốt mấy ngày qua giữa một bên là tác giả “Người hát tình ca” – ca khúc xếp thứ hai – là nhạc sĩ Lưu Thiên Hương cùng ca sĩ trình bày Uyên Linh, với một bên là Ban tổ chức cuộc thi vẫn chưa có hồi kết. Nội dung tranh cãi là phía Lưu Thiên Hương cáo buộc BTC Bài hát yêu thích thiếu minh bạch trong việc tính tin nhắn bình chọn Bài hát yêu thích tháng 12 và Bài hát của năm. Dù ai đúng, ai sai thì vụ việc này cũng giúp khán giả thấy rõ hơn góc khuất của những cuộc thi dựa vào khán giả bình chọn!.
Bài hát “Người hát tình ca” vào những giờ khắc trước khi trao giải đã bị loại hàng nghìn tin nhắn bình chọn vì theo BTC xác định thì đó là tin nhắn “không hợp lệ” và “Chiếc khăn piêu” do Tùng Dương thể hiện vượt lên giành ngôi đầu với giải thưởng 1 tỉ đồng cho ca sĩ và 300 triệu đồng cho nhạc sĩ sáng tác. Nghĩa là kết quả cuối cùng cho một cuộc thi được coi là có cách thức chấm điểm chuyên môn nghiêm túc nhất cuối cùng cũng chỉ lệ thuộc vào công nghệ, máy móc. Theo thể lệ của Bài hát yêu thích, các hội đồng chuyên môn từ đề cử, bình chọn, bình luận lên đến cả trăm người... được cho là sẽ tạo ra một quy trình chấm điểm vô cùng trung thực và chặt chẽ. Thế nhưng dường như tất cả chỉ nhằm huyễn hoặc niềm tin của khán giả khi mà kết quả chung cuộc vẫn là cuộc đua bấm điện thoại bình chọn tin nhắn.
Ảnh Internet |
Ai đó nếu đặt ra câu hỏi rằng vì sao một cuộc thi được coi là có đánh giá chuyên môn trung thực nhất như vậy lại phải viện đến tin nhắn để xác định kết quả cuối cùng thì họ đã quá ngây thơ. Bình chọn qua tin nhắn mang lại nguồn thu khổng lồ cho Ban tổ chức các chương trình giải trí và không thể không đặt ra nghi vấn người ta dễ dàng “phù phép” kết quả nhờ cách thể thức bình chọn này. Làm một phép tính đơn giản, với 15.000 đ/ tin nhắn thì 1 triệu tin nhắn mang về doanh thu là 15.000.000.000 (15 tỉ đồng). Có lẽ vì sợ khán giả “sốc” với số tiền quá lớn thu được từ tin nhắn bình chọn mà Ban tổ chức các cuộc thi không bao giờ công bố số tuyệt đối người bình chọn, mà chỉ công bố số tương đối (phần trăm) khi công bố kết quả các vòng thi.
Cho dù phía Lưu Thiên Hương có những phản ứng “tẩy chay” như “chính thức tuyên bố BTC không được dùng bài Người hát tình ca của tôi trên trang Bài hát yêu thích, đề nghị BTC gỡ hết tất cả những gì có liên quan đến bài Người hát tình ca ra khỏi trang của mình" thì cũng không thể khiến BTC thay đổi kết quả khi mà “công nghệ bình chọn” đã là lá chắn tuyệt vời cho những lùm xùm ở các cuộc thi trước đây.
Ở cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ, Ban tổ chức bị khán giả bình chọn yêu cầu công khai minh bạch số lượt bình chọn cho thí sinh; trên các diễn đàn tràn ngập dư luận nghi ngờ tính minh bạch của hệ thống bình chọn. Cuộc thi ca hát Việt Nam Idol năm 2011 liên tục gặp sự cố lỗi bình chọn, như bình chọn thí sinh A thì lại nhảy sang thành thí sinh B; những lỗi như vậy đã làm dao động tâm lí thí sinh và gây mất lòng tin khán giả. Với cuộc thi Giọng hát Việt lần đầu tiên ra mắt năm 2012, ngay khi gặp sự cố nghi án dàn xếp kết quả, Ban tổ chức mới quyết định công khai lượng tin nhắn bình chọn ở vòng Liveshow (dù là số lượng tin nhắn cũng chỉ được công bố qua con số %).
Các cuộc thi giải trí dựa vào bình chọn khán giả đang tước dần đi niềm tin của khán giả. Lá phiếu bình chọn qua tin nhắn điện thoại bị coi là thiếu trung thực đặc biệt trong bối cảnh sim rác vẫn tung hoành và nhà mạng cũng chẳng mặn mà gì với việc dẹp sim rác vì nó mang lại nguồn thu quá lớn.
Đức Duy