Dấu hiệu và cách đề phòng hội chứng giảm sút trí tuệ

GD&TĐ - Người bị giảm sút trí tuệ có trí nhớ và sự nhận thức đột nhiên mù mờ, công việc trở nên đình trệ, ngại giao tiếp xã hội và hành vi cũng bắt đầu thay đổi. Sự giảm sút trí tuệ khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn…

Đọc sách để tránh giảm trí nhớ. Ảnh: IT.
Đọc sách để tránh giảm trí nhớ. Ảnh: IT.

Không phải là bệnh

Điển hình của sự sa sút trí tuệ là người mắc bệnh Alzheimer (chiếm tỉ lệ đến 55% số người bị sa sút trí tuệ) và bệnh suy nhược thần kinh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, toàn cầu tiêu tốn khoảng 604 tỉ USD để chăm sóc và điều trị bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, chiếm 1% GDP.

Giảm sút trí tuệ không phải là một bệnh mà là một hội chứng vì do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, chúng có cùng chung các đặc điểm sau đây:

- Giảm trí nhớ và nhận thức

- Giảm hoạt động

- Rối loạn hành vi

Bệnh Alzheimer

Một số người cao tuổi thường tỏ ra lẩn thẩn. Họ có nhiều biểu hiện quên đầu quên đuôi, tư duy chậm chạm. Nhiều người cho rằng, đây là biểu hiện của bệnh… tâm thần. Nhưng không, đó chỉ là một bệnh lý thường gặp ở tuổi già. Bệnh có tên gọi là Alzheimer.

Năm 1906, một thầy thuốc người Đức tên là Alois Alzheimer lần đầu tiên mô tả căn bệnh này. Sau đó, các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu và dùng ngay tên của người đầu tiên phát hiện ra bệnh mà gọi là bệnh Alzheimer. Đây như là sự ghi nhận công lao của người đi tiên phong.

Bệnh Alzheimer xảy ra chủ yếu ở người cao tuổi. Đây là nguyên nhân thường gặp, gây nên sự sa sút về mặt trí tuệ. Biểu hiện của bệnh là do hậu quả của sự thoái hoá của các tế bào não, gây giảm khả năng tư duy, lập luận và xóa nhòa ký ức.

Ban đầu các dấu hiệu bệnh lý không có gì rõ rệt. Nhưng dần dần người bệnh có các biểu hiện “lẩm cẩm” như không nhớ rõ những người thân quen, thậm chí là những người ở trong cùng gia đình. Lặp đi lặp lại cùng một câu hỏi cho dù đã được nghe câu trả lời. Người bệnh tốn nhiều thời gian để thực hiện những công việc bình thường.

Người xung quanh rất dễ nhận ra sự thay đổi nhân cách và trạng thái tinh thần của người bệnh. Các trường hợp nặng thì mất khả năng giao tiếp với thế giới xung quanh và không thể tự chăm sóc bản thân mà thường xuyên phải có sự giúp đỡ của người thân.

Bệnh Alzheimer là bệnh mạn tính, hiện chưa có phương pháp nào chữa khỏi hay làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh. Việc huấn luyện các kỹ năng sống đơn giản là cần thiết. Thuốc chỉ dùng cho các trường hợp có biểu hiện trầm cảm hoặc rối loạn giấc ngủ mà thôi.

Hội chứng giảm trí nhớ đang trẻ hóa
 Hội chứng giảm trí nhớ đang trẻ hóa

Suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là một loại bệnh lý mang tính tâm căn, có nghĩa là bệnh thường khởi phát từ nguyên nhân tâm lý hoặc các stress gây sang chấn tâm lý, như căng thẳng thần kinh kéo dài do các loại xung đột hay mâu thuẫn trong cuộc sống.

Ngoài ra, các nguyên nhân như thiểu năng tuần hoàn não, sau chấn thương sọ não, lao động trí óc cường độ cao cũng đều có khả năng gây ra bệnh suy nhược thần kinh. Các biểu hiện của bệnh suy nhược thần kinh bao gồm:

- Nhức đầu, chóng mặt, đau nhức mình mẩy, cơ bắp do giảm ngưỡng chịu đựng với các kích thích. Cơn đau gia tăng khi có chuyện phải suy nghĩ, lo lắng. Đôi khi, những tiếng động nhỏ cũng làm khó chịu và gia tăng sự nhức đầu.

- Giấc ngủ bị rối loạn như ngủ chập chờn, gặp cơn ác mộng, thao thức trắng đêm hay mất ngủ hoàn toàn.

- Thay đổi tính tình với các biểu hiện như dễ bị kích thích, đột nhiên cáu kỉnh, khó chịu. Đôi khi phản ứng thái quá với sự tác động của ngoại cảnh hay con người. Trí nhớ giảm, lòng kiên trì kém và dễ bị chán nản. Các trường hợp nặng, khí sắc giảm, tinh thần bị suy sụp thấy rõ, dễ bị xúc động, dễ… khóc và bi quan với cuộc sống.

Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện như hồi hộp, mệt ngực, đánh trống ngực, cảm giác đau vùng trước tim, thở khó, vã mồ hôi, cảm giác nóng bừng hay lạnh toát, ăn uống kém. Giảm sự ham muốn ở người còn hoạt động tình dục, kinh nguyệt bị rối loạn ở nữ giới.

Các biểu hiện ở người mắc bệnh suy nhược thần kinh thường kéo dài trên 3 tháng. Bệnh này dễ nhầm với các bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu, là các bệnh được cho là có “vấn đề” về tâm thần.

Bệnh được điều trị dựa theo căn nguyên. Nếu do tâm lý thì cần tâm lý liệu pháp nhằm hạn chế đến mức tối đa hay loại trừ các yếu tố tác động lên tâm lý. Nghỉ ngơi giải trí thích hợp để giải tỏa áp lực công việc hay sự căng thẳng quá mức. Ở người lớn tuổi tham gia các nhóm tập dưỡng sinh cũng mang lại nhiều kết quả tốt.

Các loại thuốc cần dùng tùy thuộc vào biểu hiện của bệnh nhân. Các loại thuốc giảm đau như Paracethamol, Aspirin, Efferalgan, Ibuprofen… Các thuốc tăng cường tuần hoàn não như Tanakan, Duxil, Ginkapra, Piracetam… Các loại thuốc an thần như Seduxen, Valium, Diazepam, Phenobarbital…

Nếu nguyên nhân gây bệnh được loại trừ thì bệnh không tái phát và ngược lại.

Cách phòng chứng hay quên

Hay bị quên là dấu hiệu của tuổi xế chiều. Đây thường là biểu hiện của những người... sắp về hưu hay đã về hưu. Tuy nhiên, nếu thường xuyên quên, ví dụ như để cái gì ở đâu đó không nhớ rõ chỗ nào cứ phải lục tìm mãi mới thấy hoặc kể một câu chuyện nhiều lần.

Chữa bệnh quên bằng cách tăng cường hoạt động trí não như đọc sách báo, nghe radio, xem tivi, đánh cờ tướng, tập làm thơ, viết hồi ký, vẽ tranh…

Tránh dùng nhiều cà phê, bia, rượu, thuốc lá, tăng cường hoạt động thể lực như tập dưỡng sinh, tập thiền, tập yoga, đi bộ, chơi cầu lông, bóng bàn… Ăn uống các thức ăn giàu chất dinh dưỡng, vitamine, chất khoáng và các yếu tố vi lượng khác.

Ngoài ra cũng cần xây dựng một cuộc sống có nguyên tắc, ngăn nắp và nề nếp. Lên kế hoạch cho các hoạt động thành một thời gian biểu cụ thể, viết ra trên giấy càng tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.