Tuy nhiên, cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng đã và đang gây áp lực nặng nề lên môi trường như nguồn nước, không khí, đất đai…, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Lúng túng trong xử lý chất thải
Thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và gần 24.000 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó phổ biến là chăn nuôi lợn và gia cầm với tổng đàn khoảng trên 385,5 triệu con gia cầm, gần 28 triệu con lợn, 8,1 triệu con trâu, bò, dê... Mỗi năm, ngành chăn nuôi xả ra môi trường gần 90 triệu tấn chất thải rắn và khoảng 50 triệu m3 chất thải lỏng.
Dù số lượng lớn, nhưng tỷ lệ các trang trại áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý chất thải trong chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 60% (20% được sử dụng hiệu quả), số còn lại đang thải trực tiếp ra môi trường. Mặc dù, không ít hộ gia đình xây hầm biogas, nhưng đa phần đều bị quá tải. Bởi vậy, chất thải nhiều nơi được xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh mương… của địa phương, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nhiều địa phương đi đầu trong chăn nuôi lớn theo mô hình trang trại, đang rất lúng túng trong việc xử lý ô nhiễm môi trường. UBND các địa phương như: Hà Nội, Cà Mau, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi để phát triển mô hình trang trại, nhằm hạn chế chăn nuôi nông hộ. Tuy nhiên, sự bùng nổ về số lượng trang trại với quy mô đàn lớn, trong khi kiểm soát ô nhiễm vẫn chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí gia tăng và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội.
Cần một chế tài cụ thể
Tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng khu vực nông thôn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, Bộ này đề xuất một số giải pháp để cải thiện môi trường chăn nuôi như: Xem xét xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô lớn; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng chất thải chăn nuôi để làm phân bón; nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trong dự án Luật Chăn nuôi để kiểm soát và sử dụng hiệu quả nguồn chất thải…
Tuy nhiên, ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc xem xét xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư là rất khó vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, mặt khác vẫn chưa có chế tài cụ thể để giải quyết tận gốc vấn đề. Bởi cũng từ mô hình chăn nuôi này, nhiều gia đình đã thoát nghèo, điều này cũng đồng nghĩa với việc Ngân sách Nhà nước cũng đỡ một khoản chi phí hỗ trợ nếu như hộ đó ở diện nghèo. Thậm chí, đề xuất này còn đi ngược với chủ trương giúp người dân vùng nông thôn làm giàu từ phát triển kinh tế gia đình.
Nói về giải pháp, ông Trúc cho rằng, đối với các cơ sở chăn nuôi lớn, địa phương cần rà soát lại quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái, số lượng… để không gây quá tải. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi xử lý chất thải quy mô nhỏ hiệu quả hơn như sử dụng biện pháp khí sinh học, kết hợp các kỹ thuật công nghệ, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp tục chăn nuôi trong khu dân cư, đảm bảo các chỉ tiêu môi trường ở mức độ có thể chấp nhận được. Đồng thời tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của bảo vệ và xử lý môi trường trong chăn nuôi…