Đau đầu vì học sinh bỏ học mưu sinh!

GD&TĐ - Mặc dù Tết Nguyên đán đã trôi qua gần một tháng, nhưng hiện nay, An Giang vẫn còn khoảng 2.000 HS ở các cấp học chưa trở lại lớp. Từ nhiều năm nay, việc HS bỏ học giữa chừng, nghỉ sau Tết Nguyên đán đã trở thành nỗi lo của tỉnh.

Cán bộ ấp Vĩnh Hội (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) đến gia đình chị Lê Thị Thùy để tìm hiểu việc con trai chị không trở lại trường sau Tết
Cán bộ ấp Vĩnh Hội (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) đến gia đình chị Lê Thị Thùy để tìm hiểu việc con trai chị không trở lại trường sau Tết

Nỗi lo giảm sĩ số HS

Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán là nhiều HS trên địa bàn tỉnh An Giang đua nhau rời quê lên thành phố mưu sinh. Nhà trường, chính quyền địa phương đã làm mọi cách để đưa HS trở lại trường; tuy nhiên, số em đi lập nghiệp vẫn còn ở mức cao. Thực trạng trên đã ảnh hưởng đến công tác giảng dạy tại các huyện trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới.

Lật lại danh sách HS chưa trở lại trường từ sau Tết đến nay, thầy Nguyễn Anh Huy - Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, An Giang) nói: “Năm nay toàn trường có 789 em HS nhưng đến nay đã có 42 trường hợp chưa trở lại lớp. Trong đó có 37 em đã theo gia đình lên thành phố. Nhà trường và chính quyền địa phương làm mọi cách vận động các em nhưng không có kết quả. Một số HS bỏ học do phụ giúp gia đình, nhưng chiếm tỉ lệ đông nhất vẫn là theo cha mẹ lên thành phố làm ăn”.

Cũng theo thầy Huy, HS bỏ học phần đông là HS lớp 8 và 9. Mỗi HS bỏ học, không trở lại lớp đều được liệt kê rõ ràng, chi tiết. Trước mắt là giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình để đến nhà vận động. Đối với những trường hợp khó khăn về kinh tế, ham học sẽ phối hợp với nhà hảo tâm tìm cách hỗ trợ.

Mỗi năm đơn vị đều đặt chỉ tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ HS bỏ học. Năm nay, số em chưa trở lại lớp giảm, bởi trước Tết Sở yêu cầu nhà trường lập danh sách những em có nguy cơ bỏ học cao để kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức vận động, hỗ trợ kịp thời bằng vật chất cũng như tổ chức phụ đạo đối với HS học yếu. Đối với đối tượng HS bỏ học giữa chừng và chưa ra lớp thì nhà trường cùng chính quyền địa phương tiếp tục vận động, đến từng gia đình hoặc điện thoại kêu gọi đưa các em trở lại trường lớp. Em nào hoàn cảnh khó khăn thì nhà trường, địa phương cùng các tổ chức xã hội, mạnh thường quân sẽ hỗ trợ, giúp đỡ. Điều ngành GD mong muốn nhất là các em được học tập, không vì chuyện mưu sinh mà phải dang dở việc học khi còn chưa trưởng thành!.

 
Ông Trần Tuấn Khanh

Tình trạng HS bỏ học giữa chừng không chỉ xảy ra ở bậc THCS mà còn ở bậc tiểu học và THPT. Một trong các huyện, thành phố của tỉnh An Giang có số lượng HS chưa trở lại lớp chiếm tỉ lệ cao phải kể đến như: An Phú, Châu Phú, Châu Đốc, Tân Châu… Ở các địa phương, tâm lý chung của nhiều phụ huynh là cho con học đại học, cao đẳng xong cũng chỉ thất nghiệp! Do vậy họ quyết định cho con nghỉ học sớm để đi làm tại xí nghiệp, còn nếu chưa đủ tuổi sẽ ở nhà trông nhà, giữ trẻ nhỏ.

Ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, cho biết: “Hiện nay, tình trạng HS bỏ học giữa chừng, chưa trở lại lớp sau Tết vẫn còn nhiều, nhất là ở cấp học THCS. Toàn tỉnh hiện còn 2.191 HS chưa trở lại lớp, nhiều nhất ở bậc THCS là 1.059 HS. Để giải quyết tình trạng này, ngành GD đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trường phối hợp với chính quyền địa phương vận động HS ra lớp. HS bỏ học sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn lao động, nhiệm vụ ổn định trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thậm chí có nguy cơ tham gia tệ nạn”.

Lo mưu sinh khi chưa trưởng thành!

Ngồi trong căn nhà trống và xem lại những tấm giấy khen của người con lớn, chị Lê Thị Thùy, 35 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hội (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) kể, vợ chồng chị có 2 người con là Nguyễn Hoàng Khánh (lớp 8) và Nguyễn Khánh An (lớp 4). Gia đình không đất vườn, phải ở nhờ đất Nhà nước và là hộ cận nghèo. Hàng ngày, để có tiền chi tiêu chị làm gỏi cuốn bán, còn chồng đến vụ đi vác lúa thuê. Những tháng này, việc buôn bán ổn định nhưng cũng chỉ đem về nguồn thu nhập chưa tới 100.000 đồng/ngày. Trước việc gia đình khó khăn, sau Tết Nguyên đán, Khánh đã đi theo bà ngoại lên Bình Dương làm công cho cơ sở sản xuất mì.

“Do còn thiếu tuổi nên cháu nó phải mượn giấy chứng minh nhân dân của người anh ở xóm nộp vào mới được nhận. Mỗi ngày cháu được trả công 250.000 đồng. Đầu năm vô sớm công ty dễ nhận người, lương cao; còn nếu đợi đến cuối năm sẽ rất khó. Thấy người anh làm có tiền nên đứa em út cũng nói học xong lớp 6 sẽ nghỉ đi làm theo!”, chị Thùy cho hay.

Nhà cách đó không xa, ông Xem - Tổ trưởng Tổ 32, cho hay: “Ở đây có cháu Ngô Tấn Tài (lớp 6) cũng vừa nghỉ học để lên Đồng Nai bán vé số cùng người cô. Mồ côi cha cũng như hoàn cảnh quá nghèo, nuôi em ăn học nên Tài không còn cách lựa chọn nào khác”.

Đang ngồi soạn đồ cho đứa cháu nội chuẩn bị cùng gia đình lên Đồng Nai phụ hồ, bà Đặng Thị Tới (59 tuổi), cho biết: “Cháu Được đã học lớp 8 nhưng phải nghỉ ngang để lên đó giữ em cho cha mẹ nó đi làm”. Trước đây cũng vì cuộc sống khó khăn, cha mẹ Được đã lên thành phố làm việc. Tuy nhiên do bà Tới thường hay bị bệnh không người chăm sóc nên anh chị trở lại quê. Hàng ngày, họ đi đặt 100 cái dớn (dụng cụ bắt cá) nhưng không đủ sống, đành phải lên thành phố kiếm kế sinh nhai một lần nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ