Bước đường sự nghiệp ẩm thực của Eckart Witzigmann là một câu chuyện đáng nể với bất cứ ai đang theo đuổi nghề đầu bếp.
Đầu bếp thế kỷ và 3 sao Michellin
Năm 1994, khi Gault Millau (tổ chức đánh giá ẩm thực danh tiếng của Pháp) vinh danh Eckart Witzigmann là “Chef of the century” (tạm dịch: Đầu bếp thế kỷ), ông chính thức bước vào hàng ngũ những bếp trưởng đương đại hàng đầu, cùng với Paul Bocuse, Joël Robuchon và Frédy Girarde. Trước Witzigmann, chưa từng có một đầu bếp không phải người Pháp được xướng tên. Còn sau Witzigmann, đến bây giờ vẫn chưa ai đủ sức làm đầu bếp thế kỷ thứ năm.
Eckart Witzigmann sinh ra tại Áo. Những năm tháng tuổi trẻ sống với đam mê ẩm thực, ông đã được truyền cảm hứng bởi các tên tuổi lừng lẫy nhất thời bấy giờ. Paul Bocuse, Paul Simon, Roger Vergé, anh em nhà Troisgros và Paul Haeberlin nhanh chóng nhận ra tài năng thiên phú của Witzigmann và từng bước dẫn dắt ông tiến xa.
Đầu bếp thế kỷ Eckart Witzigmann.
Eckart Witzigmann đã tôi rèn rất lâu tại Pháp, một trong những cái nôi của ẩm thực thế giới, rồi trải qua hàng loạt nhà hàng đẳng cấp như Operakällaren ở Stockholm, Cafe Royal tại London, Villa Lorraine của Bỉ và Jockey Club thuộc Washington D.C. Sau 13 năm, ông đến Đức vào năm 1971. Từ đây, sự nghiệp của Eckart Witzigmann chính thức sang trang với Tantris, nhà hàng đầu tiên ở Munich được gắn 2 ngôi sao Michellin. Thậm chí ngày nay, giới ẩm thực tại đây còn phân biệt thành 2 giai đoạn: trước Witzigmann và sau Witzigmann, chứng tỏ sức ảnh hưởng sâu rộng của ông.
Bảy năm sau, cũng ở Munich, ông mở thêm nhà hàng Aubergine và nhanh chóng biến nơi này thành huyền thoại. Các nghệ sĩ tên tuổi, những người thuộc hoàng gia cũng như hàng loạt tín đồ sành ăn từ khắp nơi đổ về đây với cùng một mục đích: thưởng thức tài nghệ, kỹ năng, sức sáng tạo của “đầu bếp thế kỷ” Eckart Witzigmann. Năm 1979, Eckart Witzigmann bước vào tuổi 38 bằng một thành tích vô tiền khoáng hậu: trở thành một trong hai người trên thế giới sở hữu 3 ngôi sao Michelin.
Thành công tiếp nối thành công, Eckart Witzigmann và nhà hàng Aubergine liên tục gặt hái giải thưởng trong suốt 15 năm tồn tại, cho đến khi chính ông quyết định đóng cửa nhà hàng vào năm 1993. Bất chấp sự nuối tiếc của giới chuyên gia và những người yêu mến, Eckart Witzigmann khép lại thời hoàng kim bằng câu nói đơn giản: “Tôi nghĩ đến đây là điều tốt nhất mà tôi đã làm”.
Mẹ của các đầu bếp
Là người tuyệt đối chính xác khi nêm nếm món ăn, nhưng dường như Eckart Witzigmann không giỏi trong việc tự đánh giá mình. Bởi lẽ ông đủ sức làm hơn cả “điều tốt nhất” mà ông từng nói.
Không còn đứng bếp, không còn làm mưa làm gió trong giới nhà hàng, đầu bếp thế kỷ trở thành người thầy tận tậm chia sẻ tất cả kiến thức, truyền lửa và nâng đỡ các tài năng trẻ. Nói cách khác, Eckart Witzigmann thực hiện đúng những gì ông đã may mắn nhận được từ bậc tiền bối khi mới vào nghề. Học trò yêu quý người thầy đất Áo đến mức trìu mến gọi ông là “mẹ của các đầu bếp”. Rất nhiều người trong số đó nhờ vào sự dẫn dắt của ông đã thành danh.
Eckart Witzigmann còn là một trong những tác giả sách ẩm thực lừng lẫy nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây. Đây được xem như bước đệm để ông bước đến với vai trò mới: cố vấn cho các nhà hàng. Ông đi khắp nơi, từ Tây Ban Nha đến Nhật Bản và góp tay xây dựng hàng loạt dự án quan trọng trong ngành ẩm thực thế giới, đơn cử như Ikarus, nhà hàng đạt sao Michellin nổi tiếng ở sân bay Salzburg, Áo. Những tên tuổi lớn của nghề ẩm thực thế giới như Jean-Georges Vongerichten, Xavier Pellicer, Carlo Cracco… trực tiếp đứng bếp mỗi người một tháng tại Ikraus.
Ông Eckart Witzigmann là giám khảo chung kết Chiếc thìa vàng 2016.
Tháng 12 năm nay, đầu bếp thế kỷ, người nhận 3 sao Michellin Eckart Witzigmann sẽ đến Việt Nam và cầm cân nảy mực trong vòng chung kết cuộc thi nấu ăn Chiếc thìa vàng 2016. Ngoài vai trò giám khảo, ông Eckart Witzigmann còn chia sẻ với các đầu bếp kinh nghiệm, trào lưu của ẩm thực thế giới, con đường để đi tới thành công trong nghề và làm sao để đạt giải thưởng danh giá: sao Michelin.
Thành phần ban giám khảo của Chiếc thìa vàng còn bao gồm các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực trong và ngoài nước, siêu đầu bếp, chuyên gia về lĩnh vực dinh dưỡng, quán quân Chiếc thìa vàng những mùa thi trước, cùng nhiều giám khảo khách mời là đại sứ hàng Việt, nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng như Á hậu Hoàng My, NSUT Kim Xuân, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng…
Chiếc thìa vàng là sân chơi ẩm thực quy mô do Công ty TNHH Minh Long I, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp tổ chức, nhãn hàng Ly’s Horeca tài trợ, với sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Cuộc thi với tổng giải thưởng hơn 3 tỷ đồng, đã chính thức khởi động với cụm thi khu vực phía Nam diễn ra tại TP HCM từ 7/6 đến 9/6. Sau đó đến cụm miền Trung và Tây Nguyên từ 2/8 đến 4/8 tại Đà Nẵng. Hà Nội là điểm dừng chân của vòng sơ tuyển, các đầu bếp khu vực phía Bắc sẽ thi từ 27/9 đến 29/9. Vòng bán kết khu vực phía Bắc tiếp tục vào các ngày 11, 12/10 và bán kết phía Nam là 25, 26 và 27/10. Chung kết cuộc thi và lễ trao giải diễn ra vào ngày 6-7/12 tại TP HCM.
Đội thắng giải nhất mỗi vòng thi sơ tuyển sẽ nhận 40 triệu đồng, đội về nhì là 30 triệu đồng, giải nhất vòng bán kết là 50 triệu đồng và về nhì là 40 triệu đồng. Đội xuất sắc nhất vòng chung kết - quán quân Chiếc thìa vàng 2016 sẽ nhận được giải thưởng 1 tỷ đồng và cúp đầu bếp được chế tác đặc biệt.