Đầu bếp nhà hàng hải sản chỉ cách nhận biết mực tươi XỊN và mực ngâm hóa chất

Mực tươi sạch sẽ có màu trắng trong, màng ngoài còn nguyên vẹn. Mực qua ngâm tẩm hóa chất có màu trắng đục, màng ngoài nhiều phần đã bị bong, tróc.

Đầu bếp nhà hàng hải sản chỉ cách nhận biết mực tươi XỊN và mực ngâm hóa chất

Mực tươi vốn là loại hải sản được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, đây cũng là loại hải sản nằm trong danh mục thực phẩm dễ bị ngâm tẩm hóa chất độc hại.

Còn nhớ, trước đây đã có rất nhiều cơ sở hay thương lái bị phát hiện dùng hóa chất để biến mực ôi thối thành mực tươi, đặc biệt là việc tẩy trắng mực.

Chứng kiến hình ảnh những đống mực đã chuyển màu nâu đen và thối nhũn chỉ sau ít phút "phù phép" chúng nhanh chóng trở nên trắng bóng, tươi rói và chỉ khi bị các cơ quan chức năng phanh phui thì người dân mới tá hỏa và hoang mang trước món hải sản này.

Trước sự trà trộn của mực tươi bẩn độc, câu hỏi đặt ra của các bà nội trợ là làm thế nào để phân biệt được đâu là mực tươi sạch và đâu là mực đã bị ngâm tẩm hóa chất làm trắng, làm tươi để không bỏ đồng tiền ra mà lại rước họa vào thân?

Trao đổi với PV, anh Đỗ Thế Anh chủ một nhà hàng hải sản tươi sống trên đường Láng (Hà Nội) cho biết: "Khi chọn mực, để chọn được con mực tươi ngon, không bị tẩm ướp hóa chất, mọi người cần chọn những con có màu trắng nhưng không phải là trắng đục mà là trắng trong. Con mực vẫn còn nguyên trạng, đầu liền với người, ấn vào cứng, lớp màng bên ngoài vẫn còn nguyên. Râu mực cũng còn nguyên, màu tươi sáng. Đặc biệt là với loại mực ống thì túi mực vẫn còn nguyên chưa bị vỡ.

Dau bep nha hang hai san chi cach nhan biet muc tuoi XIN va muc ngam hoa chat - Anh 1

Mực tươi sạch sẽ có màu trắng trong, phần đầu và phần thân còn dính liền, chắc chắn (bên trái). Mực qua ngâm tẩm hóa chất có màu trắng đục, phần đầu dễ bị tách rời, thân mực mềm (bên phải).

Còn nếu là loại mực đã bị chết và qua ngâm tẩm hóa chất thì con mực cũng có màu trắng nhưng màu trắng đó không phải trắng trong như mực tươi sạch mà có màu trắng ngà ngà.

Do con mực đã bị chết hoặc bị thối nên khi dùng hóa chất, thân mực không thể cứng, chắc như mực sạch được mà ấn vào vẫn thấy mềm. Lớp màng bên ngoài đã bị rách hoặc bị bong mất. Với mực ống thì túi mực phần nhiều đã bị vỡ".

Cùng trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Tùng, đầu bếp tại một nhà hàng trên phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết: "Ngoài cách kiểm tra mực bằng các dấu hiệu nhận biết bên ngoài, chị em nên thử mùi mực. Nếu là con mực tươi sẽ có mùi tanh của biển.

Ngược lại, mực đã qua ngâm tẩm hóa chất sẽ không còn giữ được mùi tanh tự nhiên đó mà sẽ có mùi lạ của hóa chất, ví dụ như là mùi clo hay mùi oxy già. Miễn là thấy mùi lạ là chị em không nên mua nữa và từ lần sau cũng tránh mặt cửa hàng đó ra. Vì họ làm được một lần thì ắt hẳn sẽ làm được nhiều lần.

Một vấn đề nữa cần quan tâm là về giá cả. Nếu gặp những chỗ bán mực với giá rẻ bất thường thì chị em cũng không nên ham rẻ mà mua. Vì rất có thể đó là loại mực thối, mực chết đã qua "phù phép".

Ngoài ra, mực tươi ngon khi nấu lên sẽ cho mùi thơm đậm đà, vị dai giòn, ngọt của mực biển. Tuy nhiên, mực có ngâm hóa chất thì chỉ cần về rửa qua nước là sẽ thấy con mực nhũn dần ra. Nấu lên, mực không có mùi thơm, tanh tanh mà thậm chí còn có mùi hóa chất lạ. Mực ăn cũng không dai giòn, ngọt mà trở nên mềm, nhạt, ăn có vị ài ài rất khó chịu.

Hơn thế nếu bảo quản bằng tủ lạnh thì loại mực này rất dễ bị hỏng, khi rã đông, con mực có thể bị nát và lộ rõ nguyên hình ngay".

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ