Dấu ấn trong dự thảo cải cách GD Nhật Bản

GD&TĐ - Trung tuần tháng 2, Bộ Giáo dục Nhật Bản công bố dự thảo sửa đổi chương trình giáo dục, sửa đổi theo chu kỳ khoảng 10 năm và áp dụng từ tiểu học tới trung học.

Dấu ấn trong dự thảo cải cách GD Nhật Bản

Tăng lượng kiến thức giảng dạy

Theo sửa đổi mới nhất, nội dung kiến thức giảng dạy được tăng lên khoảng 50%.

Lập trình máy tính sẽ trở thành môn tiên quyết ở các trường tiểu học - theo dự thảo đổi mới GD mới nhất. Bộ Giáo dục muốn lập trình được sử dụng cho vẽ số học và học các đặc tính của điện, cũng như thu thập thông tin cho học tập nói chung.

Từ lớp 5 ở trường tiểu học và cấp THCS, hướng dẫn đổi mới GD đề nghị nêu rõ quần đảo Takeshima ngoài khơi tỉnh Shimane và quần đảo Senkaku ngoài khơi tỉnh Okinawa là thuộc chủ quyền lãnh thổ Nhật Bản. Bên cạnh đó giữ nguyên khẳng định chủ quyền lãnh thổ phía Bắc Hokkaido như trong hướng dẫn sách giáo khoa năm 2014. Hiện tại, Hàn Quốc đang kiểm soát quần đảo Takeshima và gọi là Dokdo.

Trong khi đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với Senkaku (do Nhật đang kiểm soát) và gọi là Điếu Ngư. Bộ Giáo dục nói rằng, các nhà giáo dục cần làm cho học sinh hiểu tính pháp lí trong tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản, nhưng không có kế hoạch đề cập tới tuyên bố chủ quyền của 2 quốc gia láng giềng châu Á. Dự thảo đổi mới GD đặc biệt nhấn mạnh tới Senkaku, đề nghị giáo viên dạy quan điểm chính thức của Nhật Bản khẳng định chủ quyền khu vực này là “không tranh cãi”.

Dự thảo đổi mới GD cũng đề xuất xây dựng một môn học mới có tên “Công chúng” ở cấp THPT, trong đó đề cập tới các chủ đề như tham gia chính trị và những vấn đề lao động. Môn học này sẽ trang bị kiến thức cần thiết cho giới trẻ khi mà tuổi bầu cử mới đây được hạ từ 20 xuống 18.

Một môn học bắt buộc mới trong trường THPT, Lịch sử Chung, sẽ tập trung vào lịch sử Nhật Bản đương đại và thế giới.

Trong các trường tiểu học, “học tích cực” - một phương pháp giáo dục trong đó học sinh giữ vai trò chủ động trong giờ học - sẽ được áp dụng ở tất cả các môn học.

Phát triển đủ kĩ năng Anh ngữ

Trong dự thảo, hướng dẫn mới cho giáo dục tiểu học nêu: Học tiếng Anh sẽ bắt đầu từ lớp 3 như một phần các hoạt động ngoại ngữ, thay vì lớp 5 theo hướng dẫn hiện tại.

Tiếng Anh sẽ trở thành một môn học độc lập từ lớp 5. Tăng dần thời lượng tiết học Anh ngữ lên 45 phút. Bổ sung vào chương trình (chỉ có kĩ năng đọc và viết như hiện tại) các kĩ năng nghe và nói - với mục tiêu giúp trẻ trở nên yêu thích hơn tiếng Anh.

Dự thảo nhìn nhận thực tế là những tiết học tiếng Anh truyền thống đang quá nhấn mạnh tới ngữ pháp và từ vựng; dự thảo chỉ rõ cần dạy cho học sinh đủ các kĩ năng Anh ngữ - nghe, đọc, viết và nói, gồm cả đàm thoại và thuyết trình - một cách cân bằng giữa các kĩ năng.

Để đạt mục tiêu này, hướng dẫn chương trình sẽ đặt ra các “mốc” mục tiêu cho mỗi kĩ năng từ tiểu học, THCS đến THPT - phù hợp với Khung giảng dạy ngoại ngữ chung của châu Âu (CEFR). Dựa vào mục tiêu mà hướng dẫn lập ra, các trường sẽ xây dựng “mốc” mục tiêu chi tiết cho học sinh.

Bộ Giáo dục sẽ chính thức công bố dự thảo đổi mới GD vào tháng tới sau khi thu thập phản hồi của dư luận để có thể hoàn thiện vào năm 2020. Hướng dẫn dành cho trường tiểu học sẽ được thực hiện từ năm 2020, với THCS và THPT lần lượt là 2021 và 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ