Trong sáng ngày 2/6, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Chính phủ về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và ý kiến của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Đồ án quy hoạch này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trình bày Báo cáo của Chính phủ về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nội dung bản Đồ án. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế còn băn khoăn về định hướng giữ gìn các phố cổ Hà Nội và phát triển các khu đô thị mới có bảo đảm vừa bảo tồn bản sắc của Hà Nội cổ cũng như những nét đặc trưng của Thủ đô văn hiến với phát triển các đô thị hiện đại hay không. Đề nghị làm rõ và cụ thể hơn nữa trong Đồ án “tính Hà Nội”, những nét mang bản sắc riêng của Thủ đô so với các tỉnh, thành khác và các Thủ đô của các nước và làm nổi bật định hướng bảo tồn bản sắc các vùng, khu vực trong Thủ đô (khu vực Thăng Long cổ, vùng phía Tây của Hà Nội...).
Được biết, Đồ án dự kiến với tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ 2010 đến 2050 khoảng 90 tỷ USD. Khung hạ tầng chiếm từ 40% đến 50% tổng vốn, như vậy đến năm 2030, có từ 20 đến 30 tỷ USD đầu tư vào xây dựng khung hạ tầng.
Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đề nghị, về nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng theo quy hoạch cần được tính toán kỹ hơn nữa trong Đồ án để đáp ứng các yêu cầu:
Một là, tính toán nhu cầu vốn cho thực hiện quy hoạch phải căn cứ vào những nội dung công việc cần phải làm để đạt mục tiêu của quy hoạch, không phải căn cứ vào những nội dung có thể làm được
Hai là, sự phù hợp của nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện Đồ án với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô trong các giai đoạn của quy hoạch
Ba là, vốn đầu tư cho hạ tầng để thực hiện Đồ án quy hoạch Thủ đô cần đặt trong cân đối vốn đầu tư tổng thể của cả nước cho các dự án, công trình khác (như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh...).
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, cần bảo đảm đúng quy định của Luật quy hoạch đô thị về việc công bố lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện Đồ án. Mặt khác, cần nghiên cứu biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giải thích những định hướng của Đồ án để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng, qua đó tránh sự xáo trộn về tâm lý của nhân dân, tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích ảnh hưởng tới các định hướng của Đồ án quy hoạch.
Đại biểu Quốc hội xem mô hình quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến nâm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. |
Về Trung tâm hành chính quốc gia mới, nhiều ý kiến cho rằng, với quy mô Thủ đô vào năm 2030, 2050 thì không thể để trung tâm hành chính như hiện nay (thực tế chưa có Trung tâm hành chính quốc gia theo đúng nghĩa, các cơ quan nhà nước được đặt tại nhiều địa điểm phân tán); cần có một Trung tâm hành chính quốc gia tương xứng với Thủ đô của Quốc gia có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa đang hội nhập và có vị trí quan trọng trong khu vực.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu đặt Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp cả về mặt yếu tố lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh, do vậy cần làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, trong khi Trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình.
Ý kiến khác đề nghị không nên tách biệt Trung tâm hành chính quốc gia khỏi Trung tâm chính trị vì cho rằng chỉ có một Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia. Hơn nữa, Đồ án chưa thể hiện rõ nét, kể cả bằng lời sự gắn kết giữa Trung tâm hành chính và Trung tâm chính trị hiện nay. Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước lập tách riêng khu vực hành chính có hiệu quả không?
Quang Anh