Đạt điểm cao môn Tiếng Anh: Cần chuẩn bị chu đáo nhiều khâu

Đạt điểm cao môn Tiếng Anh: Cần chuẩn bị chu đáo nhiều khâu

Đề có 50 câu trắc nghiệm bao gồm 33 câu ngữ âm, từ vựng, và ngữ pháp, 5 câu điền từ (cloze test) và 2 bài đọc hiểu (1 bài 5 câu và 1 bài 7 câu).

Chuẩn bị thật tốt

Theo cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP Cần Thơ), để làm tốt bài thi tiếng Anh, các em phải có sự chuẩn bị chu đáo ở nhiều khâu. Cụ thể:

Học từ vựng: Nguyên tắc học từ vựng phổ biến là học từ theo cụm (collocation), không nên học từ đơn lẻ. Khi học 1 từ, các em phải liên tưởng đến từ có liên quan. Ví dụ, khi học động từ look phải liên tưởng đến: Look for, look after, look up, look up to, look down on….

Học ngữ pháp: Phần này chiếm điểm cao nhất. Nắm vững các điểm văn phạm căn bản, cách làm bài thi trắc nghiệm. Các điểm văn phạm căn bản như sự hòa hợp giữa các thì, câu bị động, câu gián tiếp, mệnh đề tính từ, trạng từ… Các em nên lập sổ tay ghi chép trong suốt quá trình ôn luyện.

Học phát âm: Đây là phần quan trọng vì nói đúng mới nghe tốt và truyền đạt ý tưởng của mình đến người nghe chính xác nhất. Cần nắm vững hệ thống phiên âm quốc tế và tập thói quen luôn tra cứu phiên âm mỗi khi gặp một từ mới.

Chiến lược xử lý các câu hỏi

Đạt điểm cao môn Tiếng Anh: Cần chuẩn bị chu đáo nhiều khâu ảnh 1
Tiết học tiếng Anh của HS Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Thiên Thanh

Phần ngữ âm, trọng âm: Nội dung về Ngữ âm (Phonetics) và Trọng âm (Stress) rất quan trọng, thường xuyên xuất hiện trong các đề thi THPT hàng năm. Trong cấu trúc đề thi, phần Ngữ âm - Trọng âm chiếm tổng số 4/50 câu.

Đây là phần kiến thức cơ bản và là nền tảng trong chương trình phổ thông nên nắm chắc được nội dung này sẽ giúp thí sinh có thể đưa ra lựa chọn chính xác, tránh mắc bẫy của đề và đây cũng được cho là phần gỡ điểm cho các câu còn lại trong bài.

Để ôn tập tốt chuyên đề này, các em cần nắm vững lý thuyết, quy luật phát âm cũng như qui tắc nhấn trọng âm của từ; cần luyện tập, làm nhiều dạng bài chuyên về Ngữ âm và Trọng âm như: Tìm các từ có phần gạch chân phát âm khác từ còn lại, tìm các từ có trọng âm rơi vào khác từ còn lại. Đây cũng là 2 dạng bài xuất hiện trong cấu trúc đề thi tham khảo do Bộ GD& ĐT ban hành.

Dạng bài về cách phát âm và đánh dấu trọng âm của các từ, đa phần là từ quen thuộc nằm trong chương trình học. Đặc biệt lưu ý cách đọc đuôi –ed và –s/es. Khi học phần này, các em nên ghi vào sổ tay từ có cách phát âm hoặc vần nhấn ngoại lệ. Ví dụ: Từ có đuôi –tion, -sion có vần nhấn đứng ngay trước đuôi này, nhưng television, comparison thì lại nhấn khác.

Một số quy tắc đánh trọng âm

Phần lớn danh từ và tính từ có 2 âm tiết đều có trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất. Phần lớn động từ và giới từ có 2 âm tiết, trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ hai. Các từ tận cùng bằng đuôi - ic, - ish, - ical, - sion, - tion, - ance, - ence, - idle, - ious, - iar, - ience, - id, - eous, - ian, - ity thì trọng âm nhấn vào âm tiết ngay trước nó. Các từ có hậu tố: - ee, - eer, - ese, - ique, - esque, - ain, trọng âm rơi vào chính âm tiết đó. Các từ tận cùng - graphy, - ate, - gy, - cy, - ity, - phy, - al, trọng âm rơi vào âm tiết thứ 3 từ dưới lên.

Phần từ vựng, ngữ pháp: Khó nhất vẫn là phần chọn từ phù hợp (word choice) vì HS phải hiểu cách dùng từ trong các ngữ cảnh cụ thể. Các em nên ghi chú vào sổ sự khác biệt của các từ. Thí dụ: Spend – sử dụng thời gian, tiền bạc, use – sử dụng các thứ khác (laptop, bicycle…).

Tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa: Là phần nhiều HS lo lắng vì vốn từ hạn chế. Trong phần này, các em cần lưu ý những điểm như sau:

Từ gạch dưới trên câu đề thường rất khó và lạ, nhưng đáp án thường là các từ hoặc cụm từ gần gũi và có thể hiểu được nghĩa. Để làm bài dạng này, các em cần đoán nghĩa trong ngữ cảnh cụ thể đề bài đưa ra. Kinh nghiệm khi làm bài, các em cần dịch câu đề để hiểu được ý nghĩa của toàn câu và của từ được gạch chân.

Đặc biệt chú ý đến lời dẫn xem hỏi đồng nghĩa hay trái nghĩa để tránh nhầm lẫn vì các đáp án có cả đồng nghĩa và trái nghĩa. Cách gây nhiễu trên khiến nhiều em dù nắm chắc ngữ pháp, vốn từ vựng tốt nhưng chủ quan một chút có thể mất điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ