Đáp số của hiện tượng tự cháy xe gắn máy

Đáp số của hiện tượng tự cháy xe gắn máy

(GD&TĐ) - Sau hàng loạt các vụ cháy, nổ xe máy xảy ra trong thời gian gần đây, gây bất an cho tâm lý người sử dụng, Phòng thí nghiệm trọng điểm Động Cơ Đốt Trong – Trường ĐH Bách Khoa – ĐHQG Tp.HCM được Sở Khoa học - Công nghệ Tp Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân cháy, nổ xe máy.

Gần đây liên tục xảy ra các vụ tự cháy xe gắn máy gây lo lắng cho người dân (Ảnh MH)
Gần đây liên tục xảy ra các vụ tự cháy xe gắn máy gây lo lắng cho người dân (Ảnh MH)

Hiện tượng tự cháy ở xe gắn máy

Theo nhận định sơ bộ, các xe gắn máy tự cháy trong thời gian vừa qua đa phần là xe sử dụng động cơ làm mát bằng nước; xe bốc cháy khi vừa dừng xe; có mùi khét, bốc khói một lúc rồi mới xuất hiện ngọn lửa; xe cháy phần vỏ nhựa. Các xe bị cháy được dập tắt bằng nước; vị trí cháy cách xa hệ thống nhiên liệu.

Với thông tin "sự cố tự cháy chỉ xảy ra trong thời gian gần đây", Phòng thí nghiệm cho rằng, đó là do sự cố quá nhiệt trong quá trình sử dụng do ngắn mạch/quá tải của hệ thống điện hay động cơ bị quá nhiệt..

Rò rỉ xăng được lý giải cho thông tin "Xe bùng cháy rất nhanh và mặt đường cũng cháy"

Còn Vì sao "các vụ cháy xe máy xảy ra nhiều ở khu vực miền Bắc", nhóm nghiên cứu cho rằng, khả năng bị chuột làm tổ trong xe, cắn dây điện gây nguy cơ ngắn mạch, cắn ống dẫn xăng gây nguy cơ rò rỉ.

Cơ sở phân tích cũng chỉ ra rằng, quá trình cháy cần 03 yếu tố: ôxi, chất cháy và nguồn nhiệt. Ôxi: Có sẵn trong không khí; Chất cháy (Nhiên liệu bị rò rỉ do ống dẫn xăng bị chuột cắn, bị lão hóa/chai cứng gây nứt/gãy, bị phá hủy bởi nhiên liệu có hóa chất/phụ gia không đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật cho phép; Vỏ nhựa, nỉ lót, vật dụng/hàng hóa trong hộc đựng đồ). Nguồn nhiệt (Các vị trí tiếp xúc điện kém, điện trở tiếp xúc lớn, gây phát nhiệt lớn khi có dòng điện chạy qua); Ngắn mạch/quá tải ở hệ thống điện nhưng hệ thống điện không tự bảo vệ được; và Động cơ bị quá nhiệt).

Kết luận về hiện tượng tự cháy ở xe máy

Năm 2011 xảy ra gần 40 vụ cháy xe khiến dư luận xôn xao, người dân cảm thấy bất an. Nhiều nghi vấn về nguyên nhân cháy nổ đã được đề cập, phân tích nhưng nguyên nhân cuối cùng vẫn chưa tìm thấy.
Cho rằng không thể kéo dài tình trạng phương tiện cháy nổ không rõ ai chịu trách nhiệm, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định từ năm 2012, Bộ sẽ đảm nhận trách nhiệm này.

1.    Trừ khi nhiên liệu sử dụng cho xe gắn máy là một dạng chất nổ có tính ổn định kém hay vật dụng/hàng hóa trên xe có khả năng tự cháy nổ, khả năng tự cháy của xe gắn máy liên quan đến các sự cố phát sinh nhiệt độ cao từ hệ thống điện hay động cơ, cho dù có/không có rò rỉ xăng từ hệ thống nhiên liệu.

2.    Nguy cơ cháy cao đối với xe gắn máy không tuân thủ các yêu cầu của nhà sản xuất trong quá trình sử dụng: bảo dưỡng, sửa chữa, thay phụ tùng, lắp thêm thiết bị.

3.    Cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về các sự cố quá nhiệt trên các xe gắn máy sử dụng động cơ làm mát bằng nước.

Một số khuyến cáo nhằm bảo vệ xe gắn máy khỏi nguy cơ cháy nổ:

•    Tuân thủ yêu cầu bảo dưỡng của nhà sản xuất, đặc biệt là bôi trơn và hệ thống làm mát.
•    Chỉ sửa xe ở những nơi đảm bảo kỹ thuật, có uy tín, trách nhiệm.
•    Chỉ thay phụ tùng chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng (đặc biệt là IC đánh lửa, hệ thống phát điện, ắc-qui).
•    Không lắp thêm các hệ thống điện (chống trộm điện tử, đèn chiếu sáng, đèn trang trí…) nếu không có sự điều chỉnh phù hợp, không đảm bảo chất lượng và an toàn.
•    Không lắp thêm các chi tiết trang trí làm ảnh hưởng khả năng làm mát của động cơ, ống thải.
•    Thường xuyên kiểm tra tình trạng của xe, phát hiện những bất thường (nhiệt độ hộc đựng đồ, chức năng làm việc của xe).
•    Không để vật dụng/đồ dùng dễ cháy trong hộc đựng đồ.

Lộc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ