(GD&TĐ)-Thực tế hiện nay, xã hội đang thiếu hụt những cán bộ nghiên cứu khoa học lĩnh vực kinh tế tài nguyên, đó là khẳng định của PGS.TS.Nguyễn Thế Chinh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại Hội thảo khoa học ”Nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực ngành Kinh tế tài nguyên đáp ứng nhu cầu xã hội” diễn ra ngày 16/11 với sự tham gia của đông đảo các trường ĐH khối kinh tế.
Hội thảo khoa học ”Nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực ngành Kinh tế tài nguyên đáp ứng nhu cầu xã hội”. Ảnh: gdtd.vn |
Ở nước ta, trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, vai trò và giá trị của tài nguyên chưa được coi trọng. Tài nguyên là hàng hóa đầu vào đặc biệt nhưng chưa được định giá hợp lý theo cơ chế thị trường. Giá trị tài nguyên sử dụng chưa được thu hồi đúng mức vì vậy mà việc tái tạo, bảo vệ chưa được thực hiện tốt. Hiệu quả sử dụng tài nguyên còn thấp, nhiều nguồn tài nguyên bị suy thoái nghiêm trọng. Đóng góp từ tài nguyên cho ngân sách và cho phát triển kinh tế xã hội còn chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân sâu xa của sự yếu kém trong quản lý tài nguyên nói trên, theo nhiều đại biểu, đó là do thiếu đội ngũ cán bộ có kiến thức về kinh tế và quản lý tài nguyên.
PGS.TS Vũ Thị Minh – Giám đốc trung tâm Kinh tế tài nguyên và phát triển nông thôn (ĐHKTQD) khẳng định, việc mở ngành đào tạo kinh tế tài nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao về quản lý và NCKH trong lĩnh vực kinh tế tài nguyên là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực có kiến thức cơ bản, hiện đại về kinh tế tài nguyên. Chương trình giáo dục đào tạo ngành kinh tế tài nguyên trình độ ĐH cũng đã được trường ĐHKTQD xây dựng, được hoàn thiện, bổ sung trên cơ sở ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo của Bộ GD&ĐT.
Hiếu Nguyễn