Đào tạo nhân lực để phát triển làng nghề

GD&TĐ - Hà Nội là địa phương có số lượng các làng nghề nhiều nhất trên cả nước. Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên hiện nay, nhiều làng nghề đang thiếu hụt lao động trẻ có tay nghề. Thực trạng cho thấy, các làng nghề đang cần đến những chính sách đào tạo nghề để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống.

Đào tạo nhân lực để phát triển làng nghề

Dịch chuyển và thoát ly lao động

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, nhiều làng nghề vẫn giữ được tốc độ phát triển tốt như sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, thêu, dệt lụa…

Tuy nhiên, các làng nghề đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có tay nghề dẫn đến sản phẩm các làng nghề truyền thống không đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Thực tế cho thấy, hiện nay lao động có tay nghề tại các làng nghề đang dịch chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác hoặc thoát ly khỏi địa phương. Trong khi đó, các chủ hộ sản xuất hầu như chưa được đào tạo về quản trị kinh doanh và thiếu kiến thức về kinh tế thị trường. Điều này khiến các làng nghề đứng trước nguy cơ chỉ có thể duy trì, chứ không thể phát triển.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết: Các làng nghề truyền thống hiện đang thu hút khoảng 20 triệu lao động, trong đó khoảng 30% lao động có việc làm thường xuyên, số còn lại là lao động thời vụ. Tuy nhiên, số lao động đã qua đào tạo tại các làng nghề bình quân chỉ chiếm 12,3%. Đây được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động trẻ có tay nghề tại các làng nghề.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch nói riêng và sự phát triển chung của cả xã hội, nhu cầu về các sản phẩm làng nghề ngày càng đòi hỏi sự đa dạng về mẫu mã, các sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của thị trường. Các làng nghề hiện đang cần đến một nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, có tay nghề tinh xảo và những ý tưởng sáng tạo thẩm mỹ cho những sản phẩm làng nghề truyền thống đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Chú trọng dạy nghề

Để kế thừa và phát huy thế mạnh của các làng nghề, đặc biệt đào tạo, nâng cao kỹ năng cho những lao động thường xuyên tại các cơ sở doanh nghiệp trong các làng nghề, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề TP Hà Nội năm 2017.

Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề của địa phương thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhằm duy trì hoạt động sản xuất của làng nghề, tạo vị thế cho các sản phẩm làng nghề trên thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có sức cạnh tranh sản phẩm nhập khẩu;

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2017 trong đó chú trọng đến việc đào tạo nghề du lịch cho cộng đồng dân cư tại nơi có làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho các cơ sở làng nghề; mở rộng cho vay ngoại tệ, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng phát triển nghề và làng nghề.

Với việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nâng cao tay nghề và đào tạo các lớp thợ giỏi. Kỳ vọng, tới đây nguồn lực lao động kỹ thuật tại các làng nghề sẽ được tăng cường, góp phần quan trọng hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Theo Kế hoạch số 36/KH-UBND, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho khoảng 30.000 lao động; tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho 100 chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề; hỗ trợ từ 10 - 15 làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ 8 - 10 làng nghề xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ 480 cơ sở, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong, ngoài nước...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.