Đào tạo nghề ở Vị Xuyên (Hà Giang): Đồng bào dân tộc hưởng lợi

GD&TĐ - Với hơn 70% dân số là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Nùng..., huyện Vị Xuyên xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã triển khai nhiều chính sách, đề án của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề (ĐTN) cho người dân, đồng thời tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết bền vững, từng bước cải thiện đời sống đồng bào.  

Nông dân Vị Xuyên chăm sóc cây dưa trong mô hình nhà lưới
Nông dân Vị Xuyên chăm sóc cây dưa trong mô hình nhà lưới

Đào tạo nghề gắn tái cơ cấu nông nghiệp

Để công tác ĐTN đi vào thực chất và phát huy hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng LĐ,TB&XH và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệpGiáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, thống kê nhu cầu học nghề theo từng lĩnh vực cụ thể; từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề dựa trên nhu cầu thực tế.

Công tác ĐTN luôn được huyện chú trọng vào những nghề trọng điểm, phù hợp với thực tế địa phương và nhu cầu người lao động.

Các ngành, nghề đào tạo chủ yếu tập trung vào: Sửa chữa máy nông nghiệp, trồng lúa năng suất cao, rau an toàn; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè; kỹ thuật trồng rừng, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò… Từ năm 2015 đến 2018, GDNN - GDTX huyện đã mở được 100 lớp ĐTN ngắn hạn và trung cấp nghề cho 3.000 học viên; đạt 72,83% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động qua ĐTN có việc làm đạt 70%.

Đặc biệt, nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) sản xuất các sản phẩm được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu: Lớp trồng cây dược liệu tại xã Linh Hồ; trồng dứa, mía đường tại xã Phong Quang; trồng rau trong nhà lưới tại xã Phương Tiến, Đạo Đức, Kim Thạch…

Ông Phạm Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vị Xuyên cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác ĐTN gắn với giải quyết việc làm, trung tâm sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Phấn đấu mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ ĐTN cho khoảng 6.000 LĐNT trong huyện.

Sống “khỏe” nhờ trồng rau sạch

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, ngoài lựa chọn các cây, con có thế mạnh để phát triển, một mô hình mới đã được thử nghiệm trong thời gian qua với những kết quả khả quan đã được cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên lựa chọn là Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn.

Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhiều hộ nông dân Vị Xuyên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều năm trước, Vị Xuyên là địa phương cung cấp một lượng rau đáng kể cho các chợ của thành phố Hà Giang và huyện lân cận. Nhưng phương thức canh tác đơn thuần theo hướng mỗi nhà làm một cách nên hiệu quả không cao, chưa tạo được vùng chuyên canh rau hàng hóa.

Khi huyện thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ... đã mang lại hiệu quả tích cực.

2 HTX tiên phong trồng rau trong nhà lưới là HTX Rau an toàn Học Lập và HTX Rau an toàn Tân Đức. Đây là 2 đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP trong năm 2017.

Đến thăm HTX Rau an toàn Học Lập tại thôn Làng Vàng, thị trấn Vị Xuyên vào một ngày cận kề Tết Nguyên đán, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô cũng như sự đầu tư, dám nghĩ dám làm của những người nông dân nơi đây.

Trong tâm trạng hồ hởi, anh Nông Văn Học, Giám đốc HTX Học Lập cho biết, trước đây gia đình anh sản xuất rau truyền thống nhưng cuộc sống khá khó khăn. Khoảng giữa năm 2016, anh cùng một số thành viên thành lập HTX; gieo trồng, ươm giống các loại rau quả chất lượng cao. Được huyện khuyến khích cũng như hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo chuyên môn trên 2ha của HTX trồng rau an toàn; trong đó có 2.300m2 nhà lưới mỗi vụ sản xuất đều trồng luân canh với nhiều loại rau khác nhau, đặc biệt là các loại cây trái vụ để cho giá trị kinh tế cao hơn.

“Chúng tôi được hướng dẫn trồng rau an toàn từ việc lựa chọn cây giống, phân bón, nguồn nước tưới, thời gian gieo trồng… đều phải phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2018, chúng tôi trồng các loại hoa quả có giá trị kinh tế cao như: Dưa chuột, cà chua, dưa lưới xanh, dưa Kim cô nương… trong nhà lưới đạt hiệu quả cao. Trừ chi phí đầu tư, doanh thu của HTX cũng đạt gần 500 triệu đồng/năm.

Dịp cần kề Tết Nguyên đán, dự báo nhu cầu rau củ của thị trường tăng cao nên chúng tôi cũng đã chủ động sản xuất bảo đảm cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp ngon, sạch và giá cả hợp lý”, anh Học chia sẻ.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết, nhằm góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho khu vực nông thôn, cấp ủy, chính quyền huyện đã định hướng và đang thực hiện quyết tâm bằng việc xây dựng Đề án “Phát triển mô hình nhà lưới trồng rau an toàn giai đoạn 2016 - 2020”.

Ông Hải khẳng định, ngoài việc hỗ trợ về xây dựng nhà lưới, chuyển giao kỹ thuật qua công tác ĐTN sản xuất nông nghiệp an toàn thì huyện đang tích cực giúp các hộ nông dân được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, tạo điều kiện hơn nữa cho người nông dân có khả năng tiếp cận thị trường xây dựng các chuỗi liên kết để ổn định đầu ra cho sản phẩm, phát triển các mô hình nông nghiệp một cách bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ