(GD&TĐ)- Sáng nay (15/5), tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề (NIVT) đã tổ chức Hội thảo bàn về vấn đề “Cải thiện sự phù hợp của Hệ thống đào tạo dạy nghề ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của khu vực doanh nghiệp”.
|
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: gdtd.vn) |
Thị trường lao động khan hiếm nhân lực chất lượng cao
Các tham luận đều nêu bật tầm quan trọng và sứ mệnh của công tác đào tạo dạy nghề trong chương trình cải các tầm quốc gia mang tên “Đổi mới”. Nền kinh tế phát triển cần lực lượng đông đảo lao động có kỹ năng nghề vững vàng, nhưng Việt Nam hiện đang thiếu lao động chuyên môn được đào tạo bài bản và có chất lượng thực sự ở mọi trình độ. Hậu quả là việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ trong các ngành kinh tế có tiềm năng tăng trưởng và tạo việc làm gây ra những tác động tiêu cực đến chất lượng của các quá trình sản xuất, do đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững.
Hiện nay cả nước có gần 1.700 trường đào tạo nghề, cho ra trường hơn 1,6 triệu công nhân kỹ thuật/năm. Đó là một con số gây ấn tượng. Tuy nhiên, phạm vi của các chương trình đào tạo nghề ban đầu và đào tạo nâng cao hiện nay đều chưa thể đáp ứng được nhu cầu và định hướng trong tương lai, và có xu hướng không linh hoạt.
Các trường nghề được điều hành, giám sát bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo (Các trường ĐH, các trường Bách khoa, CĐ, TC chuyên nghiệp) và Bộ LĐTBXH (các trường CĐ nghề, TC nghề và các trung tâm đào tạo nghề); ngoài ra, một số cơ sở đào tạo nghề công lập đã được thành lập bởi các bộ ngành khác nhau ở cấp quốc gia và cấp địa phương.
Sự không thống nhất trong quản lý được xác định là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng thiếu tích cực đến chất lượng của cả hệ thống đào tạo nghề của nước ta hiện nay. Trong đó phải kể đến sự không tương thích giữa các hệ thống giáo trình hay những khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động đào tạo.
Thay đổi cách nhìn về đào tạo nghề ở tầm quốc gia
Nhận thức được những vấn đề trên, Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng tìm biện pháp cải cách và mở rộng hệ thống đào tạo nghề về: Cơ chế cấp tài chính hiệu quả.; Tổ chức hợp tác với các doanh nghiệp; Sử dụng và bảo dưỡng trang thiết bị hiện đại; Biên soạn chương trình đào tạo theo định hướng thị trường; Đào tạo các nhân viên quản lý và giảng dạy có năng lực; Trao đổi kinh nghiệm trong mạng lưới đào tạo quốc tế; Đối thoại trong và liên khu vực và nâng cao tính minh bạch.
Việc tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề định hướng theo nhu cầu được coi là một nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình cải cách (hiện đại hoá, phát triển, hội nhập vào nền kinh tế thế giới, hỗ trợ tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo).
Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 26% vào năm 2010 lên 50% vào năm 2020 (Chiến lược của Bộ LĐTBXH). Luật Giáo dục được thông qua năm 2005 và Luật Dạy nghề được thông qua năm 2006 đã tạo cơ sở vững chắc cho việc tiếp tục xây dựng các quy định và chức năng điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục kỹ thuật và dạy nghề cũng như vai trò của nền kinh tế.
Nhóm nghiên cứu từ Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) cho rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam phải phát triển thành công đội ngũ công nhân tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp, những người có thể cải thiện năng suất lao động và sản xuất những sản phẩm, và dịch vụ có hàm lượng kỹ thuật và giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên cho tới nay, lỗ hổng về kỹ năng vẫn còn rất lớn giữa cái được cung cấp bởi hệ thống đào tạo định hướng cung, và cái mà cộng đồng kinh doanh đang yêu cầu.
|
Đào tạo cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường (Ảnh: MH) |
Đào tạo cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường lao động
Phần lớn những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hay các trường đào tạo nghề đều không đáp ứng được nhu cầu tay nghề ngày càng tăng của các doanh nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra rằng rất hiều doanh nghiệp (bao gồm cả 44% các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) phải tự thực hiện việc đào tạo tại chỗ cho các công nhân mới tuyển, và 25% các học viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo nghề không đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức chuyên môn cũng như về tay nghề trong các doanh nghiệp.
Nội dung dự án nghiên cứu đã được thiết kế để đóng góp vào việc giải quyết vấn đề này bằng việc xác định những cải thiện có thể được thực hiện trong hệ thống đào tạo và giáo dục việc làm mà nó có thể đáp ứng được những yêu cầu của khu vực doanh nghiệp.
Hiện nay, phần lớn các cơ sở đào tạo nghề đều đào tạo theo khả năng của cơ sở mình mà ít lưu ý đến nhu cầu của thị trường về nguồn nhân lực được đào tạo. Điều này gây ra tình trạng “vừa thừa vừa thiếu” trong cung ứng và sử dụng nguồn nhân lực.
Kết quả thực hiện nghiên cứu tại các tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc đã cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc cần cải thiện vai trò của các Ban Quản lý Khu công nghiệp trong việc thu hẹp khoảng cách cung cầu về lao động có kỹ năng. Thay đổi về chính sách này đều là mới đối với hai tỉnh nghiên cứu thí điểm, và có tiềm năng tạo ra các tác động to lớn tại các tỉnh như Vĩnh Phúc, cũng như tại các tỉnh khác ở Việt Nam.
Nhu cầu đối với các học viên tốt nghiệp được qua đào tạo nghề có chất lượng sẽ trở thành một yêu cầu ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào Việt Nam hay các doanh nghiệp đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh tại các địa phương mới.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, trưởng nhóm nghiên cứu, “cùng với điều kiện về việc tiến hành kinh doanh thuận lợi tại một vài địa phương và quy mô về thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của mình, khả năng cung ứng của thị trường lao động có tay nghề cũng là một trong những quan tâm hàng đầu của phần lớn các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có nhu cầu không chỉ về số lượng mà còn cả về chất lượng của các lao động có tay nghề. Thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu về lao động có tay nghề sẽ có thể dẫn đến việc suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn vốn đầu tư vào một tỉnh, trên cả phương diện đầu tư mới cũng như đầu tư bổ sung của các doanh nghiệp hoạt động tại địa phương đó”.
Nghiên cứu này cũng cho thấy cơ cấu thể chế của các cơ quan quản lý Hệ thống đào tạo dạy nghề cần phải được đánh giá kỹ lưỡng tại từng địa phương. Tốt nhất thì cơ cấu thể chế cần phải được sắp xếp định hướng theo các đơn vị có tiềm năng lớn nhất trong việc đảm bảo liên kết tốt giữa Hệ thống đào tạo dạy nghề và khu vực doanh nghiệp.
Việc tìm kiếm một giải pháp về thay đổi thể chế là một nhiệm vụ không dễ dàng bởi lẽ trong một tỉnh luôn luôn sẵn có những đơn vị có thể thực thi nhiệm vụ này. Tuy nhiên, một đơn vị chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ việc thiếu hụt của nguồn lực lao động qua đào tạo sẽ là một đơn vị có tiềm năng nhất trong việc giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.
Ông Phạm Quang Ngọc, chuyên gia về thị trường lao động nhận định, “Quyết tâm của lãnh đạo địa phương và việc lựa chọn một đơn vị thực hiện là những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho việc liên kết giữa Hệ thống đào tạo dạy nghề và khu vực doanh nghiệp. Nếu thiếu yếu tố này, sẽ rất khó khăn trong việc xây dựng các mối liên kết tốt giữa các bên tham gia có liên quan”
Hoạt động thí điểm đã cung cấp mô hình thể chế để các tỉnh khác có thể dễ dàng trong việc áp dụng và nhân rộng. Tuy nhiên các tỉnh rất khác nhau về đặc thù kinh tế-xã hội của mình, vì vậy những vấn đề rất cụ thể cần phải được cân nhắc tại quy mô địa phương. Vấn đề cung và cầu của thị trường lao động, các nguồn lực tài chính sẵn có, và mức độ sẵn sàng trong việc thay đổi Hệ thống đào tạo dạy nghề đang có… Tất cả cần phải được cân nhắc dựa trên các đặc thù của từng địa phương.
Nâng cao hiệu quả thị trường cho người nghèo
Nâng cao Hiệu quả Thị trường cho Người nghèo, nhằm mục đích đóng góp vào quá trình xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Giai đoạn 1 của dự án đã tăng cường kiến thức và sự hiểu biết về mối liên hệ giữa tăng trưởng và đói nghèo, cũng như vai trò của thị trường và thể chế trong tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, một trong những ưu tiên hiện nay là hướng tới các đối tượng hạn chế nguồn tiếp cận thong tin. Xác định, người nghèo do có nhiều hạn chế về thông tin, về điều kiện kinh tế,… nên khó hơn trong việc tiếp cận với các cơ hội đào tạo nghề.
Dự án nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng và giảm nghèo thông qua việc tăng cường sự tham gia của người nghèo vào 3 lĩnh vực chủ đề chính – dịch vụ cơ sở hạ tầng, chuỗi giá trị chế biến nông sản, và thị trường lao động.
Mục tiêu của dự án là áp dụng rộng rãi hơn cách tiếp cận Nâng cao Hiệu quả Thị trường cho Người nghèo tại Việt Nam, thông qua việc nhân rộng, thể chế hóa và xây dựng năng lực.
Với mục tiêu phát triển những nghiên cứu dựa trên nhu cầu của chính phủ và doanh nghiệp nhằm tăng cường sự tham gia của người nghèo vào thị trường mang lại lợi ích cho họ. Dự án này cùng với các nhà hoạch định chính sách tại các cấp trung ương, tỉnh và địa phương nỗ lực biến những kết quả nghiên cứu trở nên có tác động thực sự có lợi cho người nghèo.
Bảo Minh